28/08/2024 10:40
|
Sáng 27/8, tôi nhận được tin ông Ka Ba Tơ về “thế giới người hiền” khi đang hoàn thiện đề cương câu hỏi để xin gặp và phỏng vấn bác nhân dịp Tết Độc lập 2/9.
Từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt của tỉnh Gia Lai - Kon Tum trước đó và Kon Tum sau này, có thể nói, ông Ka Ba Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum- là một trong những người chứng kiến và đóng góp nhiều cho sự đổi thay của Kon Tum.
Bởi thế, bao nhiêu năm qua, tôi vẫn thường xin được gặp ông để phỏng vấn vào các dịp lễ, tết. Và ông luôn sẵn lòng chào đón, trò chuyện cởi mở với tôi, thân mật như con cháu trong nhà.
Vậy đành cất giữ những câu hỏi đang soạn dang dở vào ký ức; cất giữ vào tim, vào lòng những kỷ niệm ấy.
Vậy là trái tim của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Ka Ba Tơ (tên khai sinh là Đinh Hồng Tơ) đã ngừng đập, sau khi đi qua chặng đường dài 85 năm trọn đời cống hiến cho Đảng cho quê hương.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, từ khi còn nhỏ, cậu bé Đinh Hồng Tơ đã nung nấu lòng căm thù giặc và mong ước theo cha mẹ, anh chị làm cách mạng.
Năm 1954, khi 14 tuổi, ông được cùng các chú tập kết ra Bắc và đi học hơn mười năm. Trong khoảng thời gian này, ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Sau này ông tâm sự rằng, những lời dặn dò của Bác Hồ trong 3 lần gặp ấy là kim chỉ nam, là động lực để ông luôn nỗ lực phấn đấu, vững bước trên con đường đã chọn.
Tháng 9/1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông từ bỏ các cơ hội nghiên cứu sinh ở Liên Xô, hoặc dạy học ở Hà Nội, lựa chọn trở về miền Nam chiến đấu và được khu V điều lên Kon Tum. Kể từ đây, cuộc đời ông gắn bó với vùng đất này.
Khắp núi rừng Tăk Min, Đoàn, Tung Bung, Tân Túk, Xốp, Đăk Bla (nay là địa bàn các xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Xốp, Đăk Choong của huyện Đăk Glei) đều in dấu chân của ông.
Không chỉ dạy học, thầy giáo trẻ Ka Ba Tơ còn vừa trực tiếp tham gia diệt ác, phá kìm vừa tham gia huấn luyện du kích, bồi dưỡng đảng viên.
Và tên Ka Ba Tơ cũng được ông sử dụng trong những ngày tháng chiến tranh vô vàn gian khổ, hy sinh ấy.
|
Sau ngày giải phóng, ông trải qua các chức vụ lãnh đạo ở huyện Đăk Glei. Năm 1977, ông là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai - Kon Tum, có đóng góp quan trọng trong tập hợp đoàn viên thanh niên hăng hái thì đua khai hoang đồng ruộng, xây dựng công trình thủy lợi, vừa xây dựng quê hương vừa chiến đấu chống FULRO, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Sau khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại (tháng 8/1991), ông được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh, rồi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Có thể khẳng định rằng, ông là một trong những người tham gia nhiều, cống hiến nhiều cho quá trình phát triển của Kon Tum.
Ông vinh dự được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước, như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Đại đoàn kết các dân tộc; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp tình báo của Bộ Quốc phòng và nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương của các ngành; Huy hiệu 40, 50, 55, 60 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Ông còn vinh dự được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Năm 2001, ông Ka Ba Tơ được nghỉ ngơi, dù vậy ông vẫn hàng ngày dõi theo sự phát triển của quê hương, đất nước qua báo chí. Ông nói vui rằng, đọc sách báo để biết thêm thông tin, cũng là cách để rèn luyện đầu có minh mẫn khi tuổi già.
Và mỗi lần trò chuyện, đôi mắt già nua của ông luôn ánh lên niềm vui và tự hào khi quê hương Kon Tum phát triển từng ngày, đời sống của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng cao.
Còn nhớ, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khi đất trời náo nức vào xuân, trong căn nhà nhỏ nằm nép mình dưới bóng cây ở một con phố yên tĩnh, ông Ka Ba Tơ đã không giấu được niềm vui khi trò chuyện với tôi về sự phát triển vượt bậc của vùng đất đã gắn bó gần hết đời người.
Câu chuyện kéo dài khơi gợi lại những dấu ấn thời mới “ra riêng”. Mà theo ông, âu cũng là ôn cố để tri tân; để chiêm nghiệm về những gì đã có hiện nay, để tự hào và kỳ vọng vào tương lai.
“Sau khi được thành lập lại (tháng 8/1991), quan trọng nhất là phải nhanh chóng giải quyết những vấn đề cấp bách về bộ máy, tổ chức và các khâu chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh (vòng 2). Vì vậy, ngày 9/10/1991, Ban Chấp hành lâm thời họp, thảo luận và quyết định phân công cấp uỷ viên; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thống nhất thời gian, đại biểu. Tại Đại hội đại biểu tỉnh Kon Tum lần thứ X (vòng 2) được tổ chức từ ngày 25-27/5/1992, đồng chí Sô Lây Tăng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, tôi và đồng chí Nguyễn Hồng Quang được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy”- ông bồi hồi nhớ lại.
Trong ký ức của ông, Kon Tum hồi bấy giờ với chất chồng gian khó, heo hút; đói nghèo, lạc hậu; giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Thị xã Kon Tum chỉ có vài ba con đường nhựa, vàng vọt ánh điện về đêm. Hồi ấy, Kon Tum giống như “ốc đảo” bởi “cụt đường”.
Lên Kon Tum chưa “ấm chỗ”, đồng chí Sô Lây Tăng quyết định đích thân dẫn một phái đoàn đi... xin tiền Chính phủ. Đồng chí nói, không có gì phải ngại ngùng cả, bởi mình đi xin tiền về cho tỉnh mình, đầu tư cho dân mình, chứ đâu phải xin cho cá nhân đâu mà ngại- ông kể.
Khó khăn là thế, nhưng chẳng thấy ai nản lòng, tất cả đều hăng hái, đều tin tưởng về sự phát triển trong tương lai. Trong điều kiện ăn, ở tạm bợ, chúng tôi đã thống nhất lựa chọn được hướng đi đúng, xác lập lộ trình thích hợp. Hàng loạt những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai; phát huy tối đa nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác, từ đó tạo dựng nền móng cho sự phát triển trong tương lai.
Với sự thống nhất cao, Đảng bộ tỉnh xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, cần làm ngay là: Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở; giữ vững an ninh trật tự; ưu tiên đầu tư phát triển vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh xây dựng văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Một trong những yêu cầu hàng đầu đó là cán bộ, đảng viên phải nắm chắc, bám sát cơ sở, phải nói dân tin, làm dân theo. Bởi Đảng bộ, chính quyền muốn có chủ trương đúng thì phải bám sát dân, phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói. Nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống.
Ngẫm về chặng đường đã qua, ông cho biết rất vui và tự hào. Ông so sánh: Nếu như năm 1992, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 88,6 USD, thì đến hết năm 2022 đạt hơn 52,44 triệu đồng; tổng thu ngân sách năm 2000 đạt gần 82 tỷ đồng, đến hết năm 2022 đạt 4.000 tỷ đồng. Văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh đều có bước chuyển mạnh mẽ. Khi thành lập lại tỉnh, tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã không còn hộ đói kinh niên.
Sau hơn 30 năm chia tách, hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là mạng lưới giao thông đã tỏa về khắp các huyện, xã trong tỉnh. Trước đây Kon Tum bị xem là ngõ cụt thì nay thông thương đi mọi hướng: Phía Bắc, đường Hồ Chí Minh nối với Quảng Nam, Đà Nẵng; phía Nam xuôi về Gia Lai, Bình Định; phía Tây qua Lào, Campuchia; phía Đông theo Quốc lộ 24 xuống Quảng Ngãi.
Rồi các tuyến Quốc lộ 14C, 40B, đường Đông Trường Sơn, Nam Quảng Nam đã thông thương. Đường vành đai Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh bao bọc sườn phía Đông của tỉnh nối 2 quốc lộ 24 và 14 là cầu nối làm nên sự hoàn chỉnh cho mạng lưới giao thông Kon Tum.
Ông nhấn mạnh: Kon Tum giờ đã thay da đổi thịt, kinh tế phát triển hơn, người dân phấn khởi vì có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Đó là thành quả lãnh đạo của Đảng ta, mà cụ thể là Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân Kon Tum.
Khi tôi chào ra về, ông nhắn nhủ: Lớp cán bộ ngày ấy, người còn người mất, nhưng ai cũng đã miệt mài cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho nơi "đất lành chim đậu". Tôi tin tưởng những người đi sau luôn làm tốt trọng trách để mọi người dân thêm no ấm, địa phương chúng ta thêm giàu mạnh, để Kon Tum vững vàng phát triển trong tương lai.
Ông cũng bày tỏ mong muốn, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn bền gan vững chí vì Đảng vì dân, không dao động, không tự diễn biến, tự chuyển hóa; phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói. Nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống.
Và đặc biệt, mỗi người phải thật sự là công bộc của dân, luôn nhắc nhở mình rằng “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân ta phải hết sức tránh”, như lời dạy của Bác Hồ.
|
Mới đó mà ông đã ra đi. Vậy là căn nhà nhỏ bài trí đơn giản nằm trên con phố yên tĩnh ở thuộc thành phố Kon Tum từ nay vắng bóng một cụ già, có dáng người thấp đậm, hiền từ thong dong ngồi đọc báo mỗi sáng, hay lui cui tưới cây mỗi chiều.
Vậy là chúng tôi không còn được gặp ông để nghe ông kể về những tháng ngày gian khó, để ngắm ông cười hiền từ, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Nhớ đến ông Ka Ba Tơ, mọi người nhớ về tính cách, con người hiền từ, giản dị, không phô trương hình thức, sống đơn giản, hồn hậu như chính con người ông.
Với thế hệ cán bộ cùng thời, ông Ka Ba Tơ được nhớ đến phong cách cởi mở, chân thành với mọi người, không phân biệt chức vụ, địa vị hay tuổi tác; sự chí tình chí nghĩa, đức độ trong cuộc sống, thẳng thắn và trách nhiệm trong công việc, luôn lắng nghe ý kiến, không chỉ của cấp dưới mà cả người dân, trí thức, chuyên gia để luôn trăn trở làm thế nào xây dựng Kon Tum khá hơn, giàu lên.
Với thế hệ cán bộ đi sau, bác là tấm gương về sự chuẩn mực trong phong cách, lối sống. Họ học được ở ông tấm lòng với quê hương, với nhân dân các dân tộc, tinh thần không quản ngại khó khăn, vất vả; chân thành, rộng mở với mọi người.
Nhân dân các dân tộc Kon Tum nhớ về ông, một người luôn đau đáu trăn trở lo cho cuộc sống của nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Từ đó cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị đưa ra nhiều giải pháp quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Cánh nhà báo chúng tôi nhớ về một đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh hiền hòa, gần gũi, sẵn lòng tiếp đón và trò chuyện thân mật, luôn có những trải lòng chân thành mà sâu sắc, không lên gân mà giàu trí tuệ.
Khi viết bài này, tôi không cố gắng “vẽ ” lên chân dung một đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, mà chỉ muốn kể về một người chúng tôi kính trọng, quý mến, một người đã trọn đời cống hiến cho Đảng, cho nhân dân.
Nên chắc chắn không như một bài viết thông thường, có lan man, có cảm tính, có rời rạc và chắp vá. Nhưng hẳn là gia đình ông và bạn đọc sẽ thông cảm mà lượng thứ!
Lê Hải