11/09/2024 17:37
|
Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chủ động của người dân, công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến khốc liệt, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số loại hình thiên tai và gây thiệt hại đến quá trình sản xuất, cơ sở hạ tầng, nhà ở và đời sống sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng hạn hán cục bộ, làm 335,7ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn, thiếu nước tưới và 253 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Mưa bão gây ra tình trạng gió lốc, lũ quét, sạt lở, ngập lụt, làm hư hỏng 13 nhà ở của người dân, 2 điểm trường học, 2 trụ sở UBND cấp xã, 1 trung tâm văn hóa cấp huyện, 5 công trình thủy lợi, 6 tuyến giao thông lớn (quốc lộ, tỉnh lộ), nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, 6 cây cầu, 2 cống ngầm và làm ảnh hưởng đến 7,65ha cây trồng, chết 5 con trâu… với tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 13 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 298 trận động đất. Riêng ngày 28/7, trên địa bàn huyện xảy ra 21 trận động đất, trong đó, trận động đất lớn nhất mạnh 5.0 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km gây rung lắc trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.
Các trận động đất chưa gây thiệt hại về người nhưng đã gây ảnh hưởng đến công trình nhà ở của người dân, trạm y tế xã, điểm trường học, trụ sở làm việc của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kon Plông.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu tích cực thảo luận, báo cáo công tác chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai chủ động, an toàn, hiệu quả nhiệm vụ, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong những tháng còn lại của năm 2024.
|
Phát kiểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương, lực lượng trong tỉnh cần tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; làm tốt công tác chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trực 24/24h; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, lực lượng; theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết.
Bên cạnh đó, bố trí sẵn sàng các lực lượng tại các vị trí xung yếu; di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; kiên quyết không để người dân lưu thông qua lại vùng có nguy cơ sạt lở, nước chảy xiết khi mưa bão, thiên tai xảy ra. Đồng thời, tiến hành đánh giá tình trạng an toàn của các công trình hồ đập, cầu qua sông, suối; dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu; bố trí lịch học phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe học sinh và cơ sở trường học; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai đến người dân.
Đức Thành