03/10/2024 20:22
|
Dự họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh ổn định, phát triển và đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ và cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra.
Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,34%, đứng thứ 27 cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. So với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước tăng 23,6%, chỉ số sản xuất công nghiệp ước 9,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 13,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,5%. Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt với 49 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư được chú trọng thực hiện.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1.205 tỷ đồng; toàn tỉnh có khoảng 226 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 1.642 tỷ đồng.
Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư; tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, kiểm soát tốt. Cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận và nêu ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Đó là, tiến độ trồng dược liệu ở một số địa phương còn chậm, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, nhất là trên lâm phần của UBND các xã và diện tích rừng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý. Bên cạnh đó, công tác thu ngân sách nhà nước chưa đảm bảo theo tiến độ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao hơn so với cùng kỳ song vẫn còn chậm so với yêu cầu. Biên chế giáo viên còn thiếu, khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Tình trạng xây dựng công trình trái phép một số nơi vẫn còn diễn ra; tai nạn giao thông chưa được kiềm chế; tình hình cháy nổ tăng cao so với cùng kỳ.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo kết quả đạt được trong 9 tháng qua và tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong các tháng còn lại của năm 2024.
|
Kết luận phiên họp, đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá kết quả kinh tế- xã hội năm 2024. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu ở mức cao nhất. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2025 phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2045 và Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Măng Đen thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2025; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 các huyện, thành phố.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, vì vậy các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024. Đồng thời, tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất. Các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tổ chức xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 phù hợp với nguồn lực của địa phương và Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2026-2030.
Thùy Hương