07/12/2016 09:04
Dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum, có đồng chí Nguyễn Hữu Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.
|
Theo đánh giá, thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch, nâng tổng số doanh nghiệp nhà nước đã sắp xếp từ trước tới nay là 6.010 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.508 doanh nghiệp.
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp góp phần hoàn thiện phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định: doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, tỉnh Kon Tum có 8 công ty TNHH MTV nắm giữ 100% vốn điều lệ, 3 công ty thuộc diện cổ phần hóa và 1 công ty thoái vốn nhà nước được triển khai thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Từ quá trình thực hiện, chúng ta rút ra những kinh nghiệm, bài học đắt giá để thực hiện tốt hơn trong thời gian đến. Yêu cầu trong thời gian đến, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa; khu vực kinh tế nhà nước phải nhỏ đi, từng doanh nghiệp nhà nước phải mạnh; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện các yêu cầu trên, Thủ tướng nêu các nhóm nhiệm vụ sau: xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; sớm xác định danh mục doanh nghiệp với tỷ lệ giữ vốn cụ thể; lành mạnh hóa hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình cổ phần hóa; xây dựng hệ thống đánh giá phù hợp sau cổ phần hóa; áp dụng quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư, mua sắm, phân phối, công tác cán bộ; xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động hiệu quả thấp; quản lý chặt chẽ việc vay nợ; rà soát, tháo gỡ mọi rào cản về chính sách...để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước…
VN