01/04/2016 08:15
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở NN&PTNT và thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô nghiên cứu, tính toán các giải pháp, sự hiệu quả giữa cây lúa với các loại cây trồng khác tại những điểm, khu vực bị hạn nặng, mất trắng và vận động người dân thực hiện chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn cây lúa mang tính ổn định lâu dài; tập trung triển khai các biện pháp khắc phục chống hạn những khu vực có nguồn nước và sử dụng bơm tưới, điều tiết nước hợp lý, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước để cứu các cây trồng.
Đối với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, giếng cạn, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình và có các biện pháp tổ chức hỗ trợ bồn chứa tại những điểm người dân đào, khoan giếng có nước để người dân tích nước sử dụng trong sinh hoạt, không để người dân thiếu nước sinh hoạt và cần có các giải pháp cụ thể trong công tác chống hạn...
Trong ngày, đồng chí Nguyễn Văn Hùng đã đi kiểm tra thực tế tình hình hạn hán cũng như công tác chống hạn tại cánh đồng xã Đoàn Kết, Đăk Năng, Ia Chim và những khu thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ở phường Trần Hưng Đạo, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum); đập thủy lợi Cà Tiên, khu cánh đồng hạn hán thôn 7, thôn 1 xã Kon Đào và kiểm tra các giếng nước tại thôn Tu Dốp 1, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô).
Theo báo cáo tổng hợp của Sở NN-PTNT, đến ngày 30/3, thành phố Kon Tum có gần 600ha cây trồng bị hạn, thiếu nước và hơn 740 giếng nước khô cạn, thiếu nước; huyện Đăk Tô có gần 180ha cây trồng bị hạn, thiếu nước và 1.644 giếng nước bị khô cạn, thiếu nước... Chính quyền các địa phương và các sở, ngành đã và đang triển khai các biện pháp chống hạn, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia công tác chống hạn, hỗ trợ, giúp đỡ nhau nước sinh hoạt.
Văn Phương