13/06/2017 07:10
Tiếp công dân là công việc đặc thù, là khâu đầu tiên của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, nếu công tác tiếp công dân được làm tốt sẽ giảm được đơn thư gửi đến các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...
“Làm tốt công tác tiếp công dân, đơn thư sẽ giảm...”
Đó là khẳng định của một cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân ở Sở Tài nguyên và Môi trường - đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh nhiều khiếu kiện, tố cáo, tranh chấp; và có thời gian, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường rất nhiều và lượng công dân trực tiếp đến khiếu nại các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường cũng không ít.
Để giảm dần tình trạng đơn thư khiếu kiện ở các lĩnh vực do ngành quản lý, Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác định rõ: Yêu cầu hàng đầu là phải làm tốt công tác tiếp công dân, xem đây là “đột phá khẩu”.
Theo đó, cùng với việc bố trí Phòng Tiếp dân đúng quy định; có niêm yết nội quy, quy chế và lịch tiếp dân để công dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình... lãnh đạo sở quan tâm bố trí cán bộ tiếp công dân có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, biết lắng nghe và đề xuất biện pháp giải quyết các thắc mắc, nguyện vọng chính đáng của người dân...
Hàng tháng, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đều bố trí lịch trực tiếp tiếp công dân; khi có những vấn đề nóng cần giải quyết ngay thì cơ quan chủ động bố trí lãnh đạo sắp xếp để tiếp công dân ngay, không để phát sinh khiếu kiện phức tạp. Đây là cách làm linh hoạt nhằm "tháo ngòi nổ" tránh những phát sinh tụ tập đông người khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động.
Khi thụ lý đơn, thư thuộc thẩm quyền, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc các bộ phận chức năng khẩn trương xem xét, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền; những đơn, thư không thuộc thẩm quyền giải quyết thì bộ phận Tiếp công dân giải thích và hướng dẫn nộp đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
|
Thực tế cho thấy, từ khi công tác tiếp công dân được Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt chú trọng và có cách giải quyết khoa học, linh hoạt hơn thì số đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp đã giảm hẳn, nhiều vụ việc được “tháo ngòi nổ” ngay từ khâu tiếp công dân.
Nhìn rộng ra toàn tỉnh, cho thấy, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nhiều giải pháp tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được triển khai thực hiện đã góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện, đơn thư vượt cấp, tạo thành điểm nóng trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các luật để ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trên địa bàn; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh đã ban hành 83 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; tổ chức 3.882 lớp học tập, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho 424.672 lượt người.
Cùng với việc Chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, đoàn thể trong công tác tiếp công dân; có phương án lựa chọn và bố trí cán bộ làm công tác địa chính, giải tỏa đền bù đảm bảo về trình độ và năng lực, có phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao, nhằm thực hiện có hiệu quả công việc, hạn chế khiếu nại, tố cáo của công dân phát sinh ở lĩnh vực này...
Việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố đã đi vào nề nếp, chất lượng được nâng cao; nơi tiếp công dân được trang bị các điều kiện theo quy định; vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã được giải quyết kịp thời, đạt tỷ lệ cao. Trong quá trình giải quyết, đã quan tâm đến công tác đối thoại; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài trên địa bàn cơ bản đã được giải quyết, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2012-2015, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp 3.423 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh (từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2015), Chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân đạt tỉ lệ 96,7%; lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp dân định kỳ và đột xuất 1.260 lượt/1.540 lượt người; tiếp nhận, xử lý 3.978 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 1.997 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành, các cấp, kết quả đã giải quyết đạt tỷ lệ 100%.
Năm 2016, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp 435 lượt/455 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó tại Trụ sở tiếp dân tỉnh tiếp 109 lượt/109 người; tỷ lệ Chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân đạt 100%. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã hướng dẫn cho 205 lượt công dân làm đơn gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; giải thích cho 230 lượt công dân hiểu về những vấn đề công dân thắc mắc...
Không phải là “chim đưa thư”
Thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp dân vẫn còn một số hạn chế: số lượng đơn thuộc thẩm quyền giải quyết tại một số địa phương còn nhiều; việc thụ lý giải quyết một số vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn để kéo dài quá thời gian quy định; đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế về trình độ, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở...
Để thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết 39/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội Khóa XIII về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; Chỉ thị 14/CT-TTg, ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 26/02/2014 của UBND tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, triển khai thực hiện đúng các quy định của Luật Tiếp công dân, chú trọng bố trí cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt cho công tác tiếp công dân; lựa chọn và bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân đảm bảo về trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp với công dân khi thực hiện các dự án, giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa...
Tại cuộc gặp gỡ gần đây với các cơ quan truyền thông, báo chí, đồng chí Bùi Thanh Bình - Chánh Văn Phòng UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo; các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt việc tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, những vấn đề báo chí thông tin phán ánh luôn được lãnh đạo tỉnh lắng nghe với tinh thần cầu thị, coi đây là kênh thông tin tham khảo quan trọng trong lãnh đạo điều hành, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân. Và, mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phối hợp trong việc tuyên truyền, phản ánh những kết quả đạt được cũng như việc khắc phục các hạn chế còn tồn tại để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn…
Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và việc nêu cao quyết tâm không để cán bộ tiếp công dân là “chim đưa thư”, tức là chuyển kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo của dân đến cơ quan có thẩm quyền; mà thay vào đó, có thể tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định, hiệu quả công tác tiếp công dân càng được nâng cao, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Bài, ảnh: Sông Côn