10/10/2014 07:27
Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố...
Sau ngày giải phóng, Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975). Chỉ sau 10 năm (1954 - 1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc, đẩy mạnh chi viện cho miền Nam…
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn sâu sắc của 60 năm xây dựng và phát triển, những năm gần đây, Hà Nội đang chuyển mình với nhiều thành tựu khởi sắc. Hà Nội đã vươn lên trở thành 1 trong 2 đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, phát triển theo hướng bền vững. So với năm 1985, kinh tế của Thủ đô năm 2003 tăng 5,1 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần; thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2008-2014 liên tục đạt và vượt dự toán, tăng trung bình 10,05%/năm; huy động vốn đầu tư trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh, bình quân hàng năm giai đoạn 2008-2014 đạt mức tăng 16,6%. Vai trò vị trí kinh tế Thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước. Năm 2013, với dân số chiếm 7,84% dân số cả nước, thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước.
Tình hình an ninh chính trị Thủ đô luôn ổn định, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, trật tự an toàn được giữ vững; quản lý đô thị, hạ tầng đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh hiện đại. Hà Nội hiện có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.486 cơ sở giáo dục, tăng 4 lần so với năm học 1986 - 1987 với nhiều trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu đầu ngành của cả nước. Lĩnh vực y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Đến tháng 6/2013, Hà Nội có 133 xã, phường được công nhận chuẩn quốc gia về y tế, nâng tổng xã, phường đạt chuẩn lên 98,78%...
Với những thành tích đạt được, trong những ngày Hà Nội tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: “60 năm qua, quân và dân Hà Nội, thế hệ tiếp bước thế hệ, đã lập nên những chiến công vang dội, nhiều thành tựu đáng tự hào; là niềm tin yêu và hy vọng nhân dân cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999), được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000, 3 lần nhận Huân chương Sao Vàng; năm nay được nhón nhận Huân chương Hồ Chí Minh”
Nguyên Phúc (Tổng hợp)