Quốc hội thảo luận Tổ đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

29/10/2024 10:23

Chiều 28/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Các ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên và thành phố Cần Thơ tiếp tục thảo luận tại Tổ số 8.

Tại buổi thảo luận này, các ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh và Trần Thị Thu Phước đã phát biểu ý kiến thảo luận xây dựng luật.

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, qua tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của cử tri là sĩ quan quân đội và kết quả khảo sát thực tế ở một số đơn vị quân đội, đại biểu thống nhất việc xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8 này) và các nội dung dự kiến quy định trong dự thảo luật. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật các nội dung sau:

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu xây dựng luật. Ảnh: HN

 

Thứ nhất, nghiên cứu, bổ sung chính sách phù hợp như nhân hệ số để tính thêm thời gian công tác đối với các trường hợp công tác ở vùng biên giới, hải đảo hoặc cho phép tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện (sau khi đến tuổi nghỉ hưu) đối với các trường hợp chưa đủ 35 năm công tác để đủ điều kiện hưởng lương hưu là 75% khi sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nghỉ hưu. Vì độ tuổi dự kiến quy định tại Dự thảo luật hiện nay tuổi cao nhất đối với cấpúy là 50 tuổi = 32 năm công tác, khi nghỉ hưu được hưởng mức 69%; cấp Thiếu tá 52 tuổi = 34 năm công tác, khi nghỉ hưu được hưởng mức 73%.

Thứ hai, quy định trần quân hàm và chức vụ tương đương: Đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng với đặc điểm công việc phức tạp, vị trí đóng quân ở vùng khó khăn gian khổ, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại nên cần thiết quy định rõ mức tương đương của chức vụ Đồn trưởng, Chính trị viên đồn biên phòng với chức vụ nào trong đơn vị quân đội (dự thảo chưa quy định). Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, chức vụ Đồn trưởng và Chính trị viên đồn biên phòng, nếu xét về tổ chức và yêu cầu nhiệm vụ thì xếp tương đương với chức vụ Trung đoàn trưởng và Chính ủy cấp trung đoàn là phù hợp. Đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu bổ sung quy định rõ trong luật hoặc trong văn bản thi hành luật để tránh thiệt thòi đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Về chức vụ và trần quân hàm của lãnh đạo, chỉ huy Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện nên quy định và thực hiện tương đương như các chức vụ và trần quân hàm của lãnh đạo Công an cấp huyện ở cùng địa phương.

Thứ ba, về chính sách nhà ở đối với gia đình sĩ quan quân đội dự kiến quy định tại luật này, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu thêm ý kiến của cử tri là sĩ quan quân đội đối với nội dung sau: Tùy tình hình thực tế và yêu cầu công tác, nhà nước có thể xem xét và có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở trả qua lương hỗ trợ theo định kỳ hàng tháng, hàng năm hoặc hỗ trợ một lần về tiền nhà ở cho gia đình sĩ quan quân đội công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đơn vị có yêu cầu cao về huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng cơ động chiến đấu cao.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 3 ý kiến xây dựng luật, đại biểu thống nhất với đề xuất của Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và những năm tiếp theo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã và đang chủ động, quyết tâm, triển khai điều chỉnh, sắp xếp các tổ chức, đơn vị, xây dựng Quân đội nhân dân, từ đó, dẫn đến những thay đổi lớn về tổ chức (mở rộng quy mô, điều chỉnh biên chế), chức năng, nhiệm vụ.

Do đó, việc sửa đổi này là phù hợp nhằm tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức, sắp xếp bộ máy của lực lượng Quân đội nhân dân; bảo đảm sự thống nhất với thẩm quyền của Chính phủ trong “thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước” (khoản 5, Điều 95, Hiến pháp năm 2013) và “Thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng” (khoản 1, Điều 18, Luật Tổ chức Chính phủ).

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán, đồng bộ, thống nhất trong lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị cũng cần sớm sửa đổi Điều 25 Luật Công an nhân dân về thẩm quyền quyết định vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ trong Công an nhân dân.

Hồ Nam        

Chuyên mục khác