04/11/2024 17:45
|
ĐBQH Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia thảo luận; ĐBQH Trần Thị Thu Phước đã gửi văn bản tham gia ý kiến thảo luận các nội dung này.
Đại biểu Tô Văn Tám tán thành và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội. Theo đại biểu năm vừa qua dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả khá ấn tượng về mọi mặt.
Đối với vấn đề quản lý và bảo vệ rừng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 42%. Tuy nhiên, tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra và có nguy cơ gia tăng, từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng thiệt hại ước hơn 22.800 ha, trong đó rừng bị cháy khoảng hơn 13.000 ha, còn lại là do chặt phá trái phép. Rừng thiệt hại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như mất đa dạng sinh học, giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của rừng, thay đổi khí hậu, xói mòn đất và là một trong những tác nhân của thời tiết cực đoan, bất thường. Nạn chặt phá rừng trái phép vẫn đang là vấn đề nóng cần giải quyết triệt để. Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý triệt để nạn chặt phá rừng trái phép.
|
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội nên tiến hành giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế. Đề nghị Chính phủ quan tâm các vấn đề:
Thứ nhất, trong độ che phủ của rừng hiện nay có rừng tự nhiên, rừng trồng và cả diện tích cây lâu năm, do vậy cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng đối với vấn đề đa dạng sinh học, môi trường rừng, tác động phòng chống biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ quét, sạt lở, tác dụng giữ nước và đời sống văn hóa của rừng.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội có chuyển đổi rừng theo hướng chỉ những dự án cần thiết và những dự án quan trọng phục vụ cộng đồng, những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, phải trồng rừng thay thế có chất lượng, hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng.
Thứ ba, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển rừng để hướng tới vừa phát triển rừng, vừa bảo tồn, khai thác giá trị kinh tế của rừng thay vì lấy rừng làm kinh tế và đó cũng là yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
|
Đại biểu Trần Thị Thu Phước đã gửi văn bản tham gia 3 ý kiến về việc chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động chưa thực sự đi vào cuộc sống; cần có những cơ chế đặc biệt, nâng cao phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên các trường phổ thông dân tộc bán trú để kịp thời động viên, tạo điều kiện cho các thầy cô có thể tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người; nguồn nhân lực ngành y tế đặc biệt là bác sĩ tuyến cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, việc thiếu bác sĩ đa khoa, bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu đã làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ ngành y tế, luân chuyển, hỗ trợ bác sĩ cho tuyến dưới, đồng thời làm gia tăng áp lực công việc cho đội ngũ bác sĩ hiện có. Mặc khác, ngày 27/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg, trong đó mục tiêu đề ra phấn đấu đến năm 2025 là 15 bác sĩ/10.000 dân, đến năm 2030 là 19 bác sĩ/10.000 dân, đến năm 2050 là 35 bác sĩ/10.000 dân, thì rất khó để đạt được mục tiêu nêu trên.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các địa bàn miền núi khác, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền một số nội dung sau:
Thứ nhất, có cơ chế đặc thù để đào tạo bác sĩ là người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có chính sách thu hút bác sĩ nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở.
Thứ hai, bổ sung thêm đối tượng là viên chức ngành Y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ theo hướng tăng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 40% đến 70% đối với viên chức làm công tác quản lý, phục vụ.
HỒ NAM