25/10/2024 09:51
Tại buổi làm việc này, các ĐBQH Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã phát biểu 6 ý kiến tham gia thảo luận, góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh: thứ nhất, theo quy định của Chính phủ các xã đạt nông thôn mới thì được xác định là xã thuộc khu vực I, không còn được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã đặc biệt khó khăn, xã khó khăn. Tuy nhiên, trong thực tế ở các tỉnh miền núi, vùng cao mặc dù xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn còn rất nhiều hộ gia đình (đặc biệt là hộ người đồng bào DTTS) còn khó khăn, chưa đảm bảo thu nhập bền vững, do đó khi không còn được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã đặc biệt khó khăn, xã khó khăn (trong đó có chính sách hỗ trợ đóng BHYT) người dân đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nguy cơ tái nghèo cao.
|
Do đó, đề nghị bổ sung vào khoản 10, Điều 1 (Sửa đổi bổ sung Điều 13) quy định việc: ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT cho người DTTS sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III sau khi đạt xã nông thôn mới theo lộ trình: năm thứ nhất hỗ trợ 90%, năm thứ 2 hỗ trợ 80%, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, và thời gian hỗ trợ ít nhất là 5 năm, đây là thời gian chuyển tiếp về chính sách để giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thứ hai, thực tế hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu chủ yếu là ở các thành phố trực thuộc Trung ương; do đó trong trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo mới đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu. Để thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giảm thiểu khó khăn cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị, tại khoản 15, Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 22) cần mở rộng đối tượng và quy định: người thuộc hộ gia đình nghèo, người DTTS thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo tự đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú.
|
Thứ ba, về trách nhiệm đóng BHYT và việc đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tại khoản 11, Điều 1 (sửa đổi bổ sung Điều 15) đã quy định “Thời hạn đóng BHYT chậm nhất đối với người sử dụng lao động là: a) Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; b) Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần”.
Để đảm bảo quyền lợi về BHYT của người lao động, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung quy định về các chế tài cụ thể và nghiêm để bắt buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đúng thời hạn đóng BHYT cho người lao động, việc này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và không gây ra khó khăn, vướng mắc cho cơ quan bảo hiểm khi thực hiện chế độ BHYT đối với đối tượng đã được cấp thẻ BHYT.
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về việc nên quy định người dân khi mua BHYT thì được quyền khám chữa bệnh ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước; việc mở rộng thêm các đối tượng đóng BHYT; trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc nâng cáo chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới.
Hồ Nam