30/11/2015 08:14
Về công tác lập pháp: Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Kế toán (sửa đổi); Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Khí tượng, thủy văn; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về 10 dự án luật: Luật về hội; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật Dược (sửa đổi); Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế).
Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng: Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết: Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020...
Quốc hội quyết định: Từ ngày 1/1/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2.000.000 đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở; từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Quốc hội đã dành thời gian thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng với những định hướng lớn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm 2016-2020. Với tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ và kinh nghiệp hoạt động thực tiễn của mình, các đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng, nhất là những vấn đề về chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có tầm chiến lược, có tính đột phá để góp phần hoàn thiện các dự thảo Văn kiện quan trọng này.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến vào ngày Chủ nhật, 22/5/2016.
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014” và ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.
Tại kỳ họp này, có 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 140 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn; nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế-xã hội được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được đưa ra phân tích, xem xét dưới nhiều góc độ.
|
Về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại kỳ họp: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hoạt động tích cực và tham gia đầy đủ các phiên làm việc của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia 24 lượt phát biểu với 128 ý kiến (12 lượt phát biểu tại tổ, 12 lượt phát biểu tại hội trường) về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và 5 năm 2016-2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 và các dự án luật, Bộ luật: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Phí, lệ phí; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật về hội....
|
Tại các phiên chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 ở hội trường, đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận 2 vấn đề về thực hiện trồng rừng thay thế theo Nghị quyết số 52/2013 và việc thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án công trình thủy điện theo Nghị quyết 62/2013 của Quốc hội; đồng thời chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
|
Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành thảo luận tại Đoàn về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; dự kiến nhân sự Tổng thư ký Quốc hội.
Hồ Nam