Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo của người đứng đầu

20/08/2024 17:45

Đó là một trong những nội dung đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, triển khai các chương trình MTQG và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh diễn ra chiều 20/8.
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PN

 

Tham dự hội nghị có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, các huyện, thành phố.

Năm 2024, tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn là 2.717.200 triệu đồng; trong đó, ngân sách địa phương là 1.095.720 triệu đồng và ngân sách trung ương là 1.621.480 triệu đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phân khai cho các ngành, địa phương. Đến ngày 31/7, tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã giải ngân 715.640 triệu đồng, đạt 31,13% trên thực nguồn kế hoạch. Bộ Tài chính cũng đánh giá, đến 31/7, tỉnh Kon Tum có tỷ lệ giải ngân thấp trên toàn quốc.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 858.193 triệu đồng, nhưng đến ngày 31/7, mới giải ngân được 78.783 triệu đồng, đạt khoảng 9% kế hoạch.

Đối với thực hiện các chương trình MTQG, đến nay, thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đã có 50/85 xã chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới; có 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 65 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Đối với chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến nay, tỉnh ta có 5 xã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ DTTS có đất ở đạt 99,3% (đạt 100,31% kế hoạch), tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất đạt 99,4% (đạt 100,42% kế hoạch).

Với chương trình giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2023, hộ nghèo toàn tỉnh là 10.220 hộ, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 6.258 hộ thoát nghèo trong năm 2023, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,19%.

Đối với sự phát triển của HTX, trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập mới 18 THT nâng tổng số THT toàn tỉnh lên 288 THT, đạt 93% và thành lập mới 34 HTX nâng tổng số lên toàn tỉnh hiện nay có 315 HTX, đạt 106% so với kế hoạch năm 2024.

Đồng chí Y Ngọc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PN

 

Lãnh đạo Sở TN&MT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PN

 

Tại Hội nghị, đồng chí Y Ngọc và các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ những tồn tại, vướng mắc, chỉ ra những nguyên nhân và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; đồng thời, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, để tháo gỡ vướng mắc vốn đầu tư công để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án đang triển khai cũng như để sớm triển khai những dự án chưa khởi công.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu, phấn đấu giải ngân cao nhất kế hoạch năm 2024, đề nghị thủ trưởng các sở, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân; chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn để đảm bảo đúng thời gian theo quy định; không để mất vốn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thống nhất thực hiện. Các sở quản lý chuyên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng công trình vi phạm về chất lượng, tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng công việc không đúng với hình thức hợp đồng.

 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố hoàn thiện các thủ tục liên quan sớm tham mưu trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất, Kế hoạch định giá đất năm 2024 và trình Hội đồng thẩm định của tỉnh để thẩm định giá đất cụ thể của từng dự án làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo và Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu ban hành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đối với thực hiện Chương trình MTQG, yêu cầu tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội; chủ động, quyết liệt hơn nữa, nêu cao tinh thần 7 dám “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” của người đứng đầu các cấp trong triển khai thực hiện các chương trình theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương hoàn thành thủ tục giao chi tiết kế hoạch đầu tư, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, trong đó, ưu tiên thực hiện, giải ngân nguồn vốn các năm trước chuyển sang, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp, phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao với kết quả cao nhất.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác