26/07/2024 06:10
Vì nước, vì dân hiến dâng cả cuộc đời mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là dấu ấn trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Trong gần 10 năm qua, nhân dân ta thường gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng một cái tên giản dị nhưng đầy mạnh mẽ, đầy chất lửa của công cuộc phòng, chống tham nhũng là “Người đốt lò vĩ đại”.
Danh xưng ấy có lẽ xuất phát từ lời phát biểu của Đồng chí: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 31/7/2017.
Tôi còn nhớ, sau đó đi đâu tôi cũng nghe cán bộ, đảng viên và nhân dân nhắc lại lời phát biểu của Tổng Bí thư, với sự tin tưởng vào tâm huyết và quyết tâm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
|
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng- vốn đã được xác định là một thứ “giặc nội xâm”. Và “lò lửa” chống tham nhũng càng được thổi bùng lên từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 2/2013).
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu lý luận, trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2024, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì kết luận gần 40 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, các hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Điều đặc biệt là trong các phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều câu phát biểu chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt, nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân như là: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” (phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, ngày 11/10/2017); “Có ý kiến cho rằng phải làm cẩn thận để tránh nhụt chí, không ai muốn làm, nhưng rõ ràng tư tưởng đó là sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” (phát biểu tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018); “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” (phát biểu tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 31/7/2017); “Các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng (phát biểu tại phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 22/1/2018); “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” (phát biểu tại phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 21/1/2019); “Kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp” (phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 19/6/2023).
|
Với quyết tâm đó, công tác phòng chống tham nhũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Minh chứng cho điều này, theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn hécta đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt 32,04%; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng kinh tế, chức vụ, trong đó 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào theo dõi, chỉ đạo 800 vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng phức tạp. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; xử lý hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Và theo thông báo của phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2 năm 2024, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 219.000 tỷ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022); kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể, 7.944 cá nhân; công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022), trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ/2.446 bị can (tăng gần 2 lần về số vụ, tăng hơn 2 lần về số bị can so với năm 2022). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 13 vụ án/54 bị can, khởi tố bổ sung 252 bị can trong 26 vụ án; kết luận điều tra 18 vụ án/333 bị can, kết luận điều tra bổ sung 6 vụ án/60 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án/374 bị can, xét xử sơ thẩm 20 vụ án/271 bị cáo, xét xử phúc thẩm 15 vụ/113 bị cáo.
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 6 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có 2 đồng chí là lãnh đạo chủ chốt thôi giữ các chức vụ trong Đảng, Nhà nước liên quan đến Quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu.
Kết quả đó vừa thể hiện sự nghiêm khắc, quyết liệt, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân tình của Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư đối với các đối tượng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước. Phòng chống tham nhũng nhưng trên tinh thần giáo dục, ngăn ngừa là chính; còn nếu vi phạm đến mức phải xử lý thì xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và cũng phù hợp với lương tâm, tình cảm con người.
Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác. Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân” (phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII, ngày 12/10/2019). Và “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” (phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/9/2021).
Những lời phát biểu ấy chính là những điều trăn trở, xót xa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhìn thấy cán bộ mình bị xử lý trước các sai phạm. Làm người, không ai mong muốn đồng chí mình sai phạm, càng không ai muốn đứng ra xử lý sai phạm của đồng chí mình. Nhưng nếu muốn xây dựng Đảng trong sạch thì không thể thấy cái sai, cái vi phạm mà ngó lơ. Sự cương quyết và chan hòa tình cảm nhân văn, nhân ái xuất phát từ cái tâm, cái tầm của nhà lãnh đạo là điều khiến nhân dân luôn tin tưởng ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư đã được xuất bản. Nội dung cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thể hiện tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Khi tôi viết bài viết này cũng là lúc Tổng Bí thư đã đi xa, nhưng chắc chắn một điều rằng những hình ảnh và dấu ấn về “Người đốt lò vĩ đại” trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng vẫn in đậm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Và luôn tin rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư sẽ luôn là tài liệu vô cùng quý quá, là cẩm nang quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, nhất là khi Đại hội XIV của Đảng đang đến gần.
Đất nước ta, dân tộc ta và Đảng ta vô cùng thương tiếc và luôn nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, giản dị đã thắp lên ngọn lửa cháy rực, thiêu cháy và xua đi những tiêu cực xấu xa, thắp lên ngọn lửa niềm tin của dân với Đảng.
Sông Côn