09/12/2017 07:44
Buổi sáng 8/12, các đại biểu đã tham gia 12 nội dung chất vấn tập trung vào một số vấn đề hạn chế, bức xúc mà người dân quan tâm, nhưng chưa được các sở ngành xử lý triệt để. Đó là tình trạng chợ tự phát mọc lên nhiều, người dân lấn chiếm lòng lề đường buôn bán ngày càng tăng; khai thác khoáng sản trái phép, xả chất thải bẩn của các nhà máy, công ty ra ngoài môi trường; dạy thêm, học thêm tràn lan ngoài trường học, việc lạm thu các khoản tự nguyện ở cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh…
|
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho biết, tình trạng người dân nhóm chợ, tự phát điểm bán hàng dưới lòng lề đường vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thời gian qua, ngành đã phối hợp các địa phương xử lý, nhưng chưa dứt điểm. Sắp tới, đơn vị sẽ có báo cáo tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh theo hướng chợ thuộc cấp quản lý nào, thì nơi đó xem xét ban hành qui chế phối hợp các ngành, các cấp để có sự phân công nhiệm rõ ràng, quy trách nhiệm nếu không có chuyển biến tích cực đối với hạn chế trên. Mặt khác, đơn vị sẽ tập trung tham mưu, giải tỏa, xử lý triệt để các hộ kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng lề đường; có phương án bố trí, sắp xếp vào chợ theo qui định; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chợ theo đúng qui hoạch.
Đối với các ý kiến của đại biểu về GD&ĐT, ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh đã ban hành quy định cụ thể về việc tổ chức dạy thêm, học thêm. Sở GD&ĐT cũng thường xuyên thành lập các đoàn tranh tra, kiểm tra đột xuất việc dạy thêm học thêm trong các trường và các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Quá trình kiểm tra, các cơ sở giáo dục có xảy ra các sai sót, ngành công khai nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu khắc phục.
Đối với nội dung về việc chẩn chỉnh tình trạng lạm thu ở các trường học, Sở GD&ĐT đang triển khai công tác thanh kiểm tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện việc thực hiện các khoản thu ở cơ sở giáo dục không đúng quy định. Ngành đề nghị, cử tri trong tỉnh thấy trường nào, ban đại diện phụ huynh nào thu các khoản có vấn đề thì phản ánh về Sở GD&ĐT. Đơn vị sẵn sàng tiếp nhận thông tin, bảo vệ người cung cấp thông tin và kiên quyết xử lý đến cùng.
|
Vấn đề các công ty thăm dò, khai thác khoáng sản chưa hoàn thổ hiện trạng, cũng như các nhà máy chế biến mì gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, thời gian qua, ngành đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương để tham mưu công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, có những lúc, những nơi, cán bộ công chức còn thiếu trách nhiệm, chưa thanh tra, kiểm tra thường xuyên, nên để xảy ra việc doanh nghiệp thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, hoặc không hoàn thổ theo quy định. Riêng về vấn đề xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy chế biến, ngành đang phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương yêu cầu các nhà máy ký cam kết đảm bảo chất thải đạt tiêu chuẩn loại A để không gây ô nhiễm môi trường…
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã xem xét, biểu quyết thống nhất thông qua 26 nghị quyết và bế mạc kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XI, cụ thể: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và phân bổ kết dư ngân sách năm 2016; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2018; kế hoạch vay, trả nợ công năm 2018; danh mục các dự án cần thu hồi đất năm 2018 và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh; kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2018 tỉnh Kon Tum; quy định định mức kinh phí hỗ trợ việc tổ chức, thực hiện lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh …
|
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2018 có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, HĐND tỉnh đề nghị từng cấp, ngành, địa phương phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới; dành thời gian thỏa đáng để tiếp công dân, giải quyết ngay từ cơ sở các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài thuộc thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng vượt cấp, tạo thành điểm nóng.
Mặt khác, thời gian vào Tết Nguyên đán sắp tới, các sở ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kiên quyết, đúng pháp luật các hành vi vận chuyển, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; các hành vi đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Mai Trâm