Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri vùng đồng bào DTTS

29/09/2017 06:14

Luật quy định đại biểu HĐND phải thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri. Nâng cao chất lượng và hiệu quả tiếp xúc cử tri vùng đồng bào DTTS là vấn đề rất cần thiết đối với một tỉnh như Kon Tum có đồng bào DTTS chiếm tỷ khoảng 53%...

Từ những nét đặc trưng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của đồng bào DTTS ở Kon Tum không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn sinh sống ở những địa hình còn nhiều cách trở, điều kiện đi lại chưa thuận lợi. Tâm lý của người dân vùng này thường rất e dè, ngại tiếp xúc với người lạ, với cơ quan công quyền, với cán bộ, công chức, thậm chí có người còn biểu hiện sự tự ti, mặc cảm của mình.

Hơn nữa, các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND thường “rơi” đúng vào thời điểm mùa vụ của đồng bào DTTS nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung.

Vì cuộc sống mưu sinh, vì tâm lý e dè, lại ít có thời gian nên họ hiếm có điều kiện để nói lên những suy nghĩ, những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình cho đại biểu do chính họ bầu ra.

Vùng đồng bào DTTS tuy hẹp so với phạm vi của tỉnh, nhưng còn chứa đựng nhiều vấn đề về an ninh chính trị, ổn định xã hội và nhiều vấn đề quan trọng mà Đảng và Nhà nước cần có thông tin để đưa ra các giải pháp kịp thời, hoặc hoạch định chiến lược lâu dài nhằm giúp người DTTS sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Trách nhiệm không phải của riêng ai

Mong muốn tất cả cử tri được gặp gỡ và trực tiếp nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình với đại biểu do mình bầu ra; để tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại của cử tri, nhất là người DTTS, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tiếp xúc cử tri tại nhà văn hóa, nhà rông, trung tâm sinh hoạt cộng đồng…của các thôn, làng.

Quang cảnh tiếp xúc cử tri tại Nhà rông Kon Jơ Dreh, xã Đăk Blà. Ảnh: T.L

 

Việc làm này đã giúp HĐND và chính quyền hướng về cơ sở, giúp đại biểu HĐND gần dân, sâu sát dân, sâu sát cơ sở, sát thực tiễn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dân; đồng thời đề ra những chính sách đúng đắn, sát thực tiễn và phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của dân đã góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Việc tăng số điểm tiếp xúc cử tri ở các thôn, làng vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh, làm tăng số lượng cử tri, giảm “đại cử tri”, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri phát huy hết quyền làm chủ trực tiếp của mình.

Tuy nhiên, muốn cử tri bộc bạch tâm tư, nguyện vọng và có trách nhiệm với ý kiến, kiến nghị của mình thì đòi hỏi người đại biểu phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình, đồng thời cần phải có tư tưởng và phong cách thân dân.

Người đại biểu không chỉ biết lắng nghe, trả lời và giải thích ý kiến, kiến nghị của cử tri mà còn phải định hướng, gợi mở và tạo điều kiện tốt nhất để cử tri phát biểu. Với đồng bào DTTS thì đây là vấn đề rất cần thiết mà đại biểu cần lưu tâm. Nhiều khi họ muốn phát biểu nhưng e ngại nên không nói lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình.

Thông qua lời thăm hỏi, động viên, thái độ ân cần và niềm nở thì những gợi mở của người đại biểu sẽ tạo được cảm giác tin tưởng, gần gũi với cử tri. Lúc đó, cử tri nói chung và đặc biệt là đồng bào DTTS sẽ mạnh dạn đề đạt ý kiến, kiến nghị, hiến kế của mình với đại biểu, với chính quyền.

Sự trang nghiêm của các hội nghị tiếp xúc cử tri là cần thiết. Song, nếu quá nghiêm nghị về hình thức sẽ không phù hợp với việc tiếp xúc cử tri trong vùng đồng bào DTTS. Thiết nghĩ đây cũng là điều mà đại biểu HĐND các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa.

Ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được đại biểu tiếp thu và ghi chép đầy đủ, rõ ràng. Nếu đại biểu không biết tiếng của người DTTS thì nhờ người (hoặc cán bộ biết tiếng địa phương) dịch. Nếu chưa rõ thì đại biểu phải hỏi lại ngay tại hội nghị tiếp xúc cử tri để tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đầy đủ, chính xác, sau đó chuyển đúng cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri biết.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả tiếp xúc cử tri trong vùng đồng bào DTTS, ngoài việc chọn và tăng số điểm tiếp xúc cử tri, về vai trò và phong cách thân dân của người đại biểu thì cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và các cơ quan hữu quan. Kiến nghị của cử tri được trả lời đầy đủ, rõ ràng, chính xác, trách nhiệm của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị hữu quan sẽ làm cho đồng bào DTTS tin tưởng, bằng không thì ngược lại.

Tài Lương

Chuyên mục khác