12/12/2016 14:32
Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Bình Trọng - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND –UBND tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; đại diện thân nhân các tù chính trị tại Nhà ngục Kon Tum cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn thành phố Kon Tum.
|
Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915 – 1917 nhằm đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân ta.
Năm 1929, thực dân Pháp đưa tù nhân chính trị từ nơi khác về giam giữ tại đây với âm mưu thâm độc vừa cách ly tù chính trị với phong trào cách mạng ở miền xuôi, đồng thời lợi dụng lam sơn chướng khí, lao động khổ sai, ăn uống kham khổ để giết dần giết mòn người tù. Chỉ trong 6 tháng, tính từ tháng 12/1930-6/1931, đã có hơn 170 trong số 500 người tù hy sinh. Sau 6 tháng khổ sai làm đường 14, chúng lại âm mưu tiếp tục cưỡng bức tù nhân đi làm đường Đăk Sút, Đăk Pao (huyện Đăk Glei hiện nay).
Một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của những người cộng sản bị cầm tù trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đó là cuộc đấu tranh Lưu huyết diễn ra vào ngày 12/12/1931.
Sáng 12/12/1931, cai ngục đã xả súng vào những người tù chính trị, chỉ trong vài phút đã bắn chết 8 người, bắn bị thương 8 người trong số 40 người tham gia cuộc đấu tranh. Phản đối sự đàn áp tàn bạo trên, tù chính trị đã tổ chức cuộc đấu tranh tuyệt thực kéo dài 5 ngày (từ ngày 12-16/12/1931).
Tuy cuộc đấu tranh bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, nhưng kết quả đạt được rất vẻ vang, buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của tù chính trị đưa ra, từ bỏ việc bóc lột sức lao động của tù chính trị làm đường 14, hủy bỏ hoàn toàn nhà Ngục Kon Tum vào năm 1934.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 86 năm kể từ khi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên và 85 năm cuộc đấu tranh lưu huyết, với tinh thần tự lực tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm củng cố, xây dựng và phát triển tỉnh nhà phát triển đi lên cùng với sự phát triển chung của đất nước.
Đồng chí khẳng định: Với niềm tự hào và niềm tin sâu sắc vào Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảng bộ cùng toàn dân trong tỉnh nhất định đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển bền vững...
Cao Cường