Kiên quyết xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm

26/10/2017 06:19

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố bàn biện pháp xử lý tình trạng các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do UBND tỉnh tổ chức chiều 25/10.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến ngày 30/9/2017, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 76 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 48 tỷ đồng do 695 đơn vị sử dụng lao động nợ chậm đóng, nợ đọng;  gần 27 tỷ đồng ngân sách nhà nước nợ bảo hiểm y tế.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm đạt 88,37%; tăng 1,75% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2017 giảm thấp hơn năm 2016, giảm khoảng 15.000 thẻ. Nguyên nhân là vào tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020; theo đó tỉnh Kon Tum có một số xã không còn nằm trong diện khó khăn, đặc biệt khó khăn dẫn đến số thẻ BHYT của đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT tại địa bàn có sự thay đổi.

Các đại biểu dự họp đã đề xuất các nhóm giải pháp xử lý, khắc phục nợ đọng cũng như các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong thời gian tới. Trọng tâm là xây dựng Quy chế về kiểm soát chi gắn việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng tại tỉnh và các huyện, thành phố; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có thời gian nợ từ 3 tháng trở lên; có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu, kế toán các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, không chịu đóng các loại bảo hiểm cho người lao động theo quy định…

Đồng chí Trần Thị Nga đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành điều tra, rà soát lại các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phân loại nhóm nợ đọng để có giải pháp xử lý cụ thể; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ quỹ kết dư bảo hiểm y tế hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng theo quy định và phân bổ chỉ tiêu bảo hiểm y tế cho các địa phương.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa thống nhất với các giải pháp đại biểu đề xuất. Đồng thời, nhấn mạnh sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, cố tình không chấp hành các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách Nhà nước đang nợ bảo hiểm xã hội phải lập kế hoạch trả nợ từ nay đến cuối năm 2017 và không được để phát sinh nợ mới; các huyện, thành phố lập kế hoạch phấn đấu tăng tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế ở địa phương ít nhất là 2%/năm.

Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện  xử lý tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở các đơn vị, doanh nghiệp...

Tin, ảnh: Quang Định

Chuyên mục khác