28/08/2024 13:28
Đây là địa danh nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Trà Bồng - một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ miền núi Trung bộ và sớm nhất ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; mở ra giai đoạn lịch sử mới về sự kết hợp bạo lực cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng với khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân, tác động trực tiếp đến cao trào Đồng Khởi ở miền Nam những năm 1959-1960.
Từ thuở thiếu thời, đã được chứng kiến cha mẹ và những đồng chí, đồng đội của cha làm cách cách mạng, chứng kiến các anh chị làm bí mật làm liên lạc liên lạc cho các chú, các bác, Đinh Hồng Tơ đã nung nấu mong ước được lớn lên làm cách mạng giống cha mẹ và các anh chị. Năm 1954, tròn 14 tuổi, ông được cùng các chú tập kết ra Bắc và đi học ở Hà Nội gần hơn mười năm.
|
Tháng 9/1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đứng trước sự lựa chọn lớn trong đời: Hoặc là tiếp tục nghiên cứu sinh ở Liên Xô, hoặc là dạy học ở Hà Nội, hay là trở về miền Nam chiến đấu. Nhưng với ý chí, lòng nhiệt thành sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì đồng bào miền Nam đang chìm trong bom đạn của quân thù, đồng chí đã xin được cùng đoàn cán bộ trở về Nam và được khu V điều lên Kon Tum. Đến đây, đồng chí được phân công hoạt động tại vùng H30 (nay là khu vực phía Đông của huyện Đăk Glei).
Những năm 1965-1974, ở vùng Tăk Min, Đoàn, Tung Bung, Tân Túk, Xốp, Đăk Bla (nay là địa bàn các xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Xốp, Đăk Choong của huyện Đăk Glei), phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh; cứ 5 đến 6 người dân thì có một người là du kích. Đây là căn cứ kháng chiến vững chắc của huyện H30, nối liền với căn cứ của Tỉnh ủy ở khu vực Măng Ri, Tê Xăng (Tu Mơ Rông). Vùng này cũng là nơi đứng chân của Trường bổ túc văn hoá đầu tiên của tỉnh Kon Tum – nơi có phong trào dạy chữ, bổ túc văn hoá sôi nổi của tỉnh lúc bấy giờ.
Về H30, đồng chí được giao nhiệm vụ là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường bổ túc văn hoá tỉnh. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt, thầy giáo Ka Ba Tơ miệt mài truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ trên vùng đất này. Nhiều thế hệ học trò đã sớm tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương và sau giải phóng nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo chủ chốt ở xã, huyện.
Sau một thời gian làm nhiệm vụ dạy học, thấy được nhiệt huyết chiến đấu của đồng chí nên cấp trên phân công để đồng chí ra hoạt động ở phía trước (tức là hoạt động ở vùng địch chiếm đóng), vừa trực tiếp tham gia diệt ác, phá kềm, giải phóng dân ở phía trước; vừa tham gia dạy chữ, huấn luyện du kích, bồi dưỡng đảng viên ở căn cứ. Cũng từ đây, đồng chí đổi tên Đinh Hồng Tơ thành Ka Ba Tơ để bí mật hoạt động.
Nhiều đồng chí chiến sĩ du kích được đồng chí bồi dưỡng, huấn luyện trở thành những lớp đảng viên trẻ, đảng viên kiên trung và trở thành Bí thư xã như đồng chí A My - Bí thư xã Xốp; A Nhớt - Bí thư xã Đăk Bla (Đăk Choong). Sau chiến thắng Đăk Pék, giải phóng huyện Đăk Glei (tháng 5-1974), đồng chí phụ trách Trưởng Ban Tuyên huấn (Tuyên giáo) Huyện ủy H30. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (1975), huyện H30 và H40 sáp nhập thành huyện Đăk Glei, đồng chí kinh qua các chức vụ là Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch UBND huyện.
Năm 1977, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai - Kon Tum, một “thủ lĩnh” đã cùng lãnh đạo các cấp bộ Đoàn tỉnh tập hợp thế hệ thanh niên tỉnh nhà hăng hái tham gia khai hoang đồng ruộng, xây dựng thủy lợi, sản xuất, xây dựng quê hương và chiến đấu chống FULRO, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Năm 1987, đồng chí được cử đi học tập tại Liên Xô và trở lại với cương vị là Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Gia Lai-Kon Tum (1988-1991), rồi Chủ tịch HĐND tỉnh (1991-2001), Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy (1994-2001). Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng một lòng đau đáu trăn trở lo cho cuộc sống của nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đồng chí đã cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị đưa ra nhiều giải pháp quan trọng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh từu sau ngày tỉnh Kon Tum được chia tách, thành lập lại; luôn quan tâm, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cán bộ trẻ, cán bộ kế cận. Những bước tiến quan trọng của tỉnh Kon Tum về trên mọi lĩnh vực của đời sống trong thời kỳ này đều có một phần đóng góp tâm huyết, to lớn của đồng chí.
Dù đã nghỉ hưu từ năm 2001, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội với cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đóng góp tích cực cho công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh Kon Tum gần mười năm. Những năm gần đây, dù tuổi đã cao, đồng chí vẫn dành nhiều tâm huyết cho công việc, tham dự trong hầu hết các sự kiện quan trọng của tỉnh, đóng góp tiếng nói có giá trị vào công việc chung của tỉnh nhà.
Đến hôm nay, ngày 27/8/2024, trái tim của người chiến sĩ Cộng sản Ka Ba Tơ trải qua chặng đường dài chiến đấu, công tác, cống hiến hết mình cho vùng đất Kon Tum đã ngừng đập ở tuổi 85. Nhưng những cống hiến của ông đã in dấu ấn đậm nét trên diện mạo của vùng đất Kon Tum, trong trái tim của cán bộ, đảng viên tỉnh Kon Tum bây giờ và mãi mãi về sau.
Trần Thị Sáu