21/06/2017 07:27
Cuộc họp tổ chức ngày 20/6. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đăk Hà, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Kon Tum và Công ty TNHH MTV Cà phê 734.
|
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 5/2011, Công ty TNHH MTV Cà phê 734 thực hiện chuyển quyền sử dụng 72,2ha cà phê trồng từ năm 2000-2003 tại xã Đăk Psi cho 81 hộ gia đình nhận khoán để thâm canh, chăm sóc vườn cây. Các hộ gia đình nhận chuyển quyền sử dụng vườn cây có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số vốn đầu tư trong 3 năm (2010-2012) với tổng giá trị hơn 5,8 tỷ đồng.
Nhưng, sau khi các hộ gia đình hoàn thành việc nộp tiền và đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới biết giấy chứng nhận đã được thế chấp để vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Kon Tum. Do doanh nghiệp chưa trả được nợ (tổng nợ gốc và lãi là hơn 15,2 tỷ đồng) nên chưa thể rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về được, dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài.
Ngày 6/9/2016, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 1018/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.443.482m2 đất do Công ty TNHH MTV Cà phê 734 đang quản lý (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 505214 ngày 4/6/2003) tại xã Đăk Psi, giao cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng.
Ngày 22/92016, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Đăk Hà, UBND xã Đăk Psi và Công ty TNHH MTV Cà phê 734 tiến hành kiểm tra, xác minh ranh giới, vị trí diện tích đất thu hồi.
Tuy nhiên, cho đến nay, do giữa Ngân hàng và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung về giải quyết khoản nợ hơn 15,2 tỷ đồng nên không thể giải chấp tài sản dẫn đến chưa thể thu hồi, hủy bỏ số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để cấp mới cho các hộ dân.
Ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Việc người dân đã trả hết tiền “mua vườn cây” nhưng Công ty TNHH MTV Cà phê 734 để dây dưa kéo dài, không giải quyết xong công nợ với ngân hàng, rút giấy tờ đất đai về, bàn giao để chính quyền địa phương tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, dẫn đến khiếu kiện là không thể chấp nhận được.
|
Giải trình về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV Cà phê 734 cho biết, doanh nghiệp đã có phương án thế chấp tài sản khác cho ngân hàng để giải chấp số giấy chứng nhận trên, tuy nhiên, diện tích cà phê khác đều đã được thế chấp hết; tài sản (sân phơi, trụ sở) được ngân hàng xác định không đủ điều kiện thế chấp. Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính có biện pháp xóa khoản nợ này, bởi nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là do thiên tai.
Đồng tình với việc đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính xóa khoản nợ trên, nhưng đại diện Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Kon Tum cho rằng, cần có sự thẩm định độc lập về giá trị tài sản mà doanh nghiệp định thế chấp, như vậy mới có thể giải chấp số giấy chứng nhận đang thế chấp tại ngân hàng.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuy thống nhất với phương án thế chấp tài sản khác để rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu Công ty TNHH MTV Cà phê 734 khẩn trương thuê tư vấn định giá tài sản, làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về xác nhận tài sản thuộc quyền sở hữu, hoàn thành các thủ tục rút giấy chứng nhận để UBND tỉnh ra quyết định hủy giấy cũ, cấp giấy mới cho người dân.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chậm nhất là ngày 15/7, các bên có liên quan phải hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh, nếu quá thời hạn trên, UBND tỉnh sẽ có biện pháp cứng rắn.
Vụ việc này Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Đây là lần cuối cùng họp xử lý vụ việc, các bên có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thực hiện trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, không thể để bà con chịu thiệt mãi - đồng chí Nguyễn Đức Tuy nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Thành Hưng