Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách

17/10/2017 06:16

Chiều 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Thế Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum

 

Báo cáo tổng kết nêu rõ: Đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu (Chương trình hộ nghèo; Học sinh, sinh viên; Giải quyết việc làm), đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang thực hiện 20 chương trình tín dụng và một số chương trình, dự án do các địa phương, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm mới thành lập, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Kết quả, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp 4,5 triệu hộ vươn lên thoát nghèo; 9.928.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; giải quyết việc làm cho 3,4 triệu người; giúp  trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn để chi phí học tập; giúp 112.000 lao động  thuộc gia đình chính sách vay vốn đi xuất khẩu lao động…

Riêng tại Kon Tum, sau 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 28,6 lần so với năm 2002, với 63.901 hộ còn dư nợ (tương đương 51% tổng số hộ dân toàn tỉnh). Kết quả, vốn tín dụng chính sách đã giúp 53.043 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 38,63% xuống 16,34% (giai đoạn 2006- 2010); từ 33,36% (cách tính mới) xuống còn 10,26% giai đoạn 2010- 2015 và từ 26,11% (theo cách tính chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm còn 23,03%  vào cuối năm 2016.

Các chương trình tín dụng chính sách cũng đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Với thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội được Chủ tich nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; có 20 tập thể và 9 cá nhân tại các địa phương được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh,  trong giai đoạn hiện nay, cả nước vẫn còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tăng cường nguồn vốn, huy động thêm nhiều nguồn vốn ủy thác; bên cạnh đó, các tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục bổ sung nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách, để ngân hàng này thêm nguồn lực đảm bảo nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn vay cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng các đối tượng chính sách, để góp phần xóa nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới...

Tin, ảnh: LS

Chuyên mục khác