Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam

13/04/2017 08:54

Ngày 12/4, tại đầu cầu tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam.

Dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu; UBND các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông…

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại hội nghị

 

Theo đánh giá, Việt Nam có trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác, phát triển. Một số cây dược liệu đặc trưng và có giá trị kinh tế cao được trồng nhiều như: Quế được trồng tập trung ở Yên Bái với diện tích trên 50.000ha, sản lượng ước tính đạt 5.000 tấn; cây hồi trồng tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh khoảng 47.000ha, sản lượng khoảng gần 10.000 tấn/năm...

Nguồn gen và giống của nhiều loài cây thuốc đã được chọn lọc, tập trung nghiên cứu để phục vụ công tác chọn tạo giống như: sâm Ngọc Linh, diệp hạ châu, xuyên tâm liên, kim tiền thảo, giảo cổ lam, trinh nữ hoàng cung, ba kích, cà gai leo, ngưu tất, ngũ vị tử...

Cả nước có khoảng 226 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (95 cơ sở sản xuất thuốc loại hình hộ kinh doanh cá thể và 131 cơ sở sản xuất thuốc loại hình công ty). Tuy nhiên, việc sản xuất dược liệu chủ yếu sản xuất thô, giá trị còn thấp…

Tại tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc, trong đó có 35 loài dược liệu cần quan tâm bảo tồn ở Việt Nam. Hiện nay, toàn tỉnh phát triển được 315,73ha sâm Ngọc Linh, trên 40ha các loại dược liệu khác.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh, tỉnh đang xây dựng thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh; kêu gọi các doanh nghiệp chế biến sâu; tạo điều kiện hỗ trợ giống cho dân phát triển; đồng thời nêu lên những vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian đến.

Về định hướng, đồng chí cho biết, tỉnh xây dựng Đề án Qui hoạch tổng thể phát triển dược liệu từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; xây dựng một số vùng trồng các loài cây thuốc đang có nhu cầu lớn theo điều kiện sinh thái và địa lý phù hợp; xây dựng bộ dược liệu chuẩn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ dân phát triển dược liệu…            

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ đầu tư phát triển vùng dược liệu trọng điểm Quốc gia tại tỉnh; thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh; thực hiện thí điểm đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với lĩnh vực mua dược liệu phục vụ sản xuất thuốc và chữa bệnh; có cơ chế chính sách ưu đãi để nuôi trồng, thu mua, buôn bán, sản xuất dược liệu trong nước; có cơ chế vay vốn và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến dược liệu…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương một số địa phương bước đầu phát triển dược liệu có giá trị hàng hóa lớn; nhưng đồng thời cũng nhắc nhở nhiều địa phương, bộ, ngành chưa quan tâm phát triển dược liệu.

Thủ tướng cũng lưu ý, việc quảng bá thương hiệu dược liệu Việt Nam ra nước ngoài ở nước ta còn yếu kém. Chính vì vậy, cần phải đầu tư nghiên cứu, bào chế, quảng bá sản phẩm dược liệu Việt Nam ra nước ngoài.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển dược liệu là chiến lược của ngành Y tế. Trong thời gian đến, chúng ta phải có chính sách đặc thù phát triển dược liệu; thành lập 3 trung tâm ở Bắc, Trung, Nam để truyền thông, nghiên cứu dược liệu.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trong việc phát triển dược liệu; tăng cường liên kết 5 nhà trong phát triển dược liệu, vùng chuyên canh dược liệu quy mô lớn; khuyến khích việc khám và chữa bệnh bằng thuốc cổ truyền; kiện toàn bộ máy và nhân lực quản lý phát triển dược liệu.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành khác và yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển dược liệu... 

Tin, ảnh: VN

Chuyên mục khác