16/04/2018 14:22
Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, dự hội nghị có đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
|
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, khoảng 20,9% so với GDP, trong đó, chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59%...
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tham gia ý kiến, thảo luận đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; đồng thời đưa ra các giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực giao thông vận tải...
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ, cụ thể; rà soát lại toàn bộ chính sách pháp luật, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo; rà soát lại quy hoạch hạ tầng giao thông và có giải pháp kết nối hạ tầng giao thông phù hợp; xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, cụ thể hóa quy hoạch; lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực doanh nghiệp hoạt động kinh doanh logistics, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu: Thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị chức năng phải làm mạnh mẽ hơn nữa, cần quyết liệt từ nhận thức đến hành động, từng bước xóa bỏ những rào cản, phải giảm chi phí nhất là chi phí không chính thức.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành theo nhiệm vụ của mình triển khai hiệu quả về logistics theo chức năng, nhiệm vụ của ngành đã đề ra và trước hết cần có chương trình hành động hết sức cụ thể về logistics; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng về hệ thống logistics đến nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; triển khai đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp về thực hiện logistics; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia hệ thống logistics; chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy, tháo gỡ cản trở doanh nghiệp về logistics; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động logistics, góp phần nâng hạng Việt Nam trên toàn thế giới và đặc biệt phải thể hiện quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị…
Tin, ảnh: Văn Phương