15/10/2017 07:10
Dự Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Nguyễn Văn Hòa-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
|
Theo báo cáo đánh giá, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, 9 tháng đầu năm nay, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ (21%), diện tích rừng bị thiệt hại 1.257ha, giảm 3.078ha (71%) so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng tại khu vực Tây Nguyên, 9 tháng đầu năm nay, các tỉnh phát hiện 3.877 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 10%; diện tích rừng bị thiệt hại 444ha, tăng 23ha (5%) so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước.
Số liệu tổng hợp trên cho thấy, công tác ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hành vi phá rừng trái pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm hơn, các hành vi phá rừng trái pháp luật trên cả nước giảm. Công tác quản lý bảo vệ rừng được chấn chỉnh một bước. Tuy vậy, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương.
Chính phủ cũng chỉ ra một số trọng điểm phá rừng trong cả nước. Tại tỉnh Kon Tum, vụ khai thác rừng trái pháp luật tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) và tại lâm phần thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Ngọc Hồi (huyện Ngọc Hồi) đang được điều tra, xác minh và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Chính phủ chỉ ra nguyên nhân là do các chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, để xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài tạo thành hệ lụy xấu; chính quyền cơ sở không thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, vai trò chỉ đạo, điều hành còn mờ nhạt, thiếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên…
Hội nghị tập trung thảo luận, đề ra nhiệm vụ và các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian đến.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian đến, việc quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát; kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền; tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất; đảm bảo cuộc sống của người dân sống gần rừng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Tin, ảnh: VN