19/08/2024 15:17
|
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Kim Sơn- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Trong năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới, đề xuất phương hướng tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế. Căn cứ kết quả tổng kết, Bộ GD&ĐT tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW (ngày 12/8/2024) tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Trong năm học 2023-2024, các địa phương và ngành GD&ĐT thực hiện rà soát, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; tăng số phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình GDMN, Chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, hoạt động dạy và học; hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm...
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế năm học 2023-2024. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực, cụ thể để ngành GD&ĐT thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích cán bộ, giáo viên, học sinh ngành GD&ĐT cả nước đạt được trong năm học 2023-2024. Trong đó, toàn ngành GD&ĐT đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, bước vào năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị; tập trung xây dựng thể chế, chiến lược, ban hành công tác quy hoạch ngành.
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học; tập trung triển khai các chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư cho lĩnh vực GD&ĐT; xây dựng, rà soát các chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên; rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đảm bảo quỹ đất xây dựng trường, lớp.
Bộ GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương để chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết cho năm học 2024-2025 về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sách giáo khoa, vệ sinh trường học. Đồng thời, việc tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 đảm bảo ngắn gọn, trang trọng, mang tính giáo dục đạo đức truyền thống, phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.
Bộ GD&ĐT phối hợp các địa phương chuẩn bị kế hoạch, các phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 với tinh thần gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi về chi phí, đi lại cho thí sinh và phụ huynh.
Quang Định