Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện mối liên kết “4 nhà”

28/08/2015 09:41

Ngày 27/8, tại huyện Đăk Hà, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện mối liên kết 4 nhà: “Nhà nước - nhà khoa học - nhà đầu tư - nhà nông” trên địa bàn tỉnh.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Hải- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.N 

 

Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, trên địa bàn tỉnh từng bước hình thành sự kết nối “4 nhà” và đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận: nhiều mô hình liên kết giữa nhà nông-nhà doanh nghiệp đã hình thành các chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp và có tính bền vững như các lĩnh vực mía - đường, rau - hoa, cà phê, cao su, sắn - tinh bột sắn; trình độ canh tác nông nghiệp của nông dân được nâng lên, bước đầu hình thành cách thức sản xuất mới… đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa; thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng 1,5-2 lần so với khi chưa áp dụng các mô hình liên kết...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mối liên kết “4 nhà” vẫn còn nhiều bất cập như: mối liên kết vẫn còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ; tình trạng vi phạm hợp đồng dẫn đến mất niềm tin lẫn nhau giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn diễn ra; nhà khoa học, nhà nước (nhất là chính quyền địa phương) trong mối liên kết này chưa được quy định rõ vai trò và trách nhiệm cụ thể; vai trò của nhà nước ở một số địa phương trong mối quan hệ này còn mờ nhạt…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Hải ghi nhận những nỗ lực của một số địa phương, đơn vị trong thực hiện mối liên kết “4 nhà”, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân tồn tại trong quá trình thực hiện. Đồng chí nhấn mạnh: Để liên kết “4 nhà” triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian đến, các sở, ban, ngành cần tập trung tổ chức xây dựng, thực hiện cánh đồng lớn đối với sản phẩm hàng hóa có lợi thế trên địa bàn tỉnh; tập trung vào một số cây hàng hóa chủ lực, có lợi thế như cao su, cà phê, mía, sắn, rau hoa, sâm Ngọc Linh, chăn nuôi bò, heo, thủy sản…; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng quy hoạch, ứng dụng khoa học vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực; nâng cao vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp, thực sự làm cầu nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Các nhà khoa học cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân. Các doanh nghiệp cần có chiến lược và kế hoạch sản xuất sản phẩm phù hợp với thị trường; mở rộng thị trường; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Người nông dân cần thay đổi tư duy để đáp ứng với yêu cầu sản xuất mới…

          VN 

Chuyên mục khác