31/08/2024 14:13
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh); các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh và Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong khoảng 20 năm qua, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của cơ quan nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ. Đây là cơ sở để nước ta sẵn sàng bước vào một giai đoạn phát triển mới của dịch vụ công trực tuyến, đó là phát triển theo chiều sâu, tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc hiện thực hóa mục tiêu này sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, cụ thể sẽ có 17,5 triệu người dân được hưởng lợi trực tiếp từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 17,5 triệu hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, giảm thiểu giấy tờ; tiết kiệm chi phí xã hội ước tính khoảng 2.600 tỷ đồng/năm.
Quan trọng hơn, hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình là để hoàn thành nhiệm vụ phát triển chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển chính phủ số. Phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình là đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi mọi hoạt động được đưa lên môi trường mạng thì sẽ có đầy đủ dữ liệu số và chính quyền có thể sử dụng các công cụ để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Trong đó, năm 2024, các bộ, ngành có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70% và các địa phương đạt tối thiểu 30%; năm 2025, các bộ, ngành có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85% và các địa phương đạt tối thiểu 70%. Khi phổ cập được dịch vụ công trực tuyến toàn trình vào năm 2025, cả nước sẽ hoàn thành phát triển chính phủ điện tử.
Trần Văn Phúc