Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần thứ ba kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

09/11/2015 08:35

Từ ngày 2 - 6/11, các ĐBQH tỉnh Kon Tum cùng các ĐBQH cả nước tiếp tục chương trình làm việc của tuần thứ ba kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Quốc hội đã tiến hành 4 buổi thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Đại biểu Y Mửi tham gia ý kiến về KT-XH. Ảnh: HN

 

Phát biểu tham gia ý kiến thảo luận tại hội trường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum - Y Mửi sau khi đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015 cũng như giai đoạn 2011-2015; công tác xóa đói giảm nghèo; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ... đã đề nghị: Chính phủ sớm ban hành một chính sách tổng thể, đồng bộ, rõ cơ chế, phù hợp với đặc điểm từng vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, biên giới, hải đảo; đồng thời bố trí đủ và kịp thời nguồn lực để thực hiện. Chỉ đạo thực hiện việc giải quyết một cách căn bản đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất. Cụ thể hóa kịp thời và chỉ đạo triển khai thực hiện nhanh Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh; trong đó tập trung giải quyết căn bản tình trạng chồng lấn đất đai giữa nhân dân với nông, lâm trường quốc doanh; tình trạng chồng lấn rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia với đất sản xuất của nhân dân. Trước mắt Chính phủ, các bộ ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương cho các tỉnh miền núi là các tỉnh khó khăn về ngân sách và có diện tích đất lâm nghiệp lớn để đảm bảo thực hiện hoàn thành việc xác định ranh giới, mốc giới, lập bản đồ địa chính; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết và giao đất, cho thuê đất cho công ty lâm nghiệp, lâm trường phù hợp với nhiệm vụ mới sau khi được sắp xếp và cấp đủ vốn điều lệ cho các công ty lâm nghiệp. Đồng thời, sửa đổi cơ chế chính sách theo hướng hỗ trợ việc chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để hộ gia đình, cá nhân, tổ chức yên tâm nhận đất, nhận rừng, quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng ổn định lâu dài, có hiệu quả. Đối với các công ty, nông lâm trường quốc doanh được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, được mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước, với nhân dân trong vùng để bảo vệ, phát triển rừng và sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.

Đồng chí Y Mửi đề nghị: Đường Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng đã tạo ra sự liên thông và liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc - Trung - Nam; đã góp phần điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu, cảng biển trên toàn quốc; phân bổ lại dân cư và lực lượng lao động... góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng an ninh. Nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi đi qua trung tâm các thành phố, mật độ dân cư đông của cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Vì vậy, cần phải có các tuyến đường tránh đi qua thành phố. Hiện tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đi qua trung tâm thành phố Kon Tum có mật độ dân cư đông đúc, chật hẹp nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Trong khi các phương tiện giao thông trên tuyến tăng nhanh do nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN thông qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và vận chuyển hàng hóa từ Cảng Đà Nẵng; áp lực giao thông cũng như nguy cơ mất an toàn giao thông cho thành phố Kon Tum càng gia tăng. Vì vậy rất cần có một tuyến đường tránh của đường Hồ Chí Minh đi qua thành phố Kon Tum, tuyến đường tránh này vừa giải quyết vấn đề áp lực giao thông cho thành phố Kon Tum, vừa tạo điều kiện cho Kon Tum phát triển KT-XH, vừa là đoạn đường cuối cùng để trọn gói hoàn chỉnh toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh bổ sung dự án tuyến đường tránh qua thành phố Kon Tum vào Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. 

Quốc hội cũng đã tiến hành 5 buổi làm việc ở hội trường để nghe 9 báo cáo, tờ trình và thẩm tra về một số dự án, dự thảo luật; tiến hành thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020...

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum - Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) về quyền của bị can, bị cáo quy định tại Điểm h, khoản 2, Điều 59, Điều 60; Việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can; Nguyên tắc tranh tụng về quyền bình đẳng trong tranh tụng giữa người tiến hành tố tụng với người bào chữa, bị can, bị cáo và Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Đại biểu Tô Văn Tám tham gia ý kiến xây dựng pháp luật. Ảnh: HN

 

Theo đại biểu Tô Văn Tám, tại Điều 59, Điều 60, đã quy định các quyền của bị can, bị cáo, trong đó có quyền khiếu nại quyết định hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà chưa ghi nhận quyền tố cáo của bị can, bị cáo đối với hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tố cáo là một quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận, đề nghị bổ sung quyền tố cáo của bị can, bị cáo đối với hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, họ có quyền tố cáo những hành vi sai trái của người có thẩm quyền tố tụng trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng. Trong các quy định về tố cáo ở Chương XXXII, chưa thể hiện quyền này của bị can, bị cáo.

Các ĐBQH tỉnh Kon Tum đã cùng với 20 ĐBQH của 3 tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên-Huế và Sơn La tiến hành một buổi thảo luận ở tổ đối với dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Hồ Nam

Chuyên mục khác