Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum trong tuần thứ năm kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

23/11/2015 07:33

Từ ngày 16 - 20/11, Quốc hội tiến hành tuần làm việc thứ 5.

Trong tuần làm việc này Quốc hội đã dành 5 buổi làm việc (được truyền hình, phát thanh trực tiếp) để nghe báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với nội dung này và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015; đồng thời tiến hành thảo luận về các báo cáo và chất vấn lại một số vấn đề.

Tại các buổi làm việc này đã có 54 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn về việc giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu; việc phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong phát triển kinh tế và trong lĩnh vực nông nghiệp; tính ổn định tăng trưởng chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong phát triển kinh tế nông nghiệp; thực trạng đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ dàn trải, kéo dài, gây lãng phí, thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn triệt để hàng giả, hàng kém chất lượng; chương trình giảng dạy nội dung lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông; công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng dựa trên kết quả thi trung học phổ thông quốc gia; về một số vụ án cụ thể; quản lý hoạt động công chứng, chứng thực; giải pháp đổi mới thủ tục công chứng giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình để vay vốn sản xuất, kinh doanh…

Có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời chất vấn và phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu giải trình và làm rõ thêm, đồng thời tổng hợp trả lời 27 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời trực tiếp một số đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp trả lời 3 câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Đại biểu Tô Văn Tám chất vấn tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: H.N

 

Tại phiên chất vấn sáng ngày 16/11, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia thảo luận 2 vấn đề về thực hiện trồng rừng thay thế theo Nghị quyết số 52/2013 và việc thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án công trình thủy điện theo Nghị quyết 62/2013 của Quốc hội; đồng thời chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Quốc hội đã tiến hành 4 buổi làm việc ở Hội trường để xem xét, biểu quyết thông qua 3 luật: Luật An toàn thông tin mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) và Luật Kế toán (sửa đổi) (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017); nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dược (sửa đổi); nghe 3 báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành thảo luận: Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; dự thảo Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Thị Trung đã phát biểu tham gia 5 ý kiến vào dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về Phạm vi điều chỉnh của luật; việc đăng ký hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng và các cơ sở tương tự; cơ chế đăng ký, thông báo đối với lễ hội được tổ chức thường xuyên định kỳ; tổ chức, bộ máy tự quản của cơ sở tín ngưỡng… Theo đại biểu Phạm Thị Trung việc thiết kế các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo tại Điều 5 cần được làm rõ hơn; không chỉ giới hạn việc thực hiện theo luật này mà tổ chức tôn giáo khi tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, nhân đạo thì tất yếu cần phải chấp hành các quy định tại các luật có liên quan trên.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã cùng với đại biểu Quốc hội của 3 tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên-Huế và Sơn La tiến hành 1 buổi thảo luận tổ về các dự án Luật Dược (sửa đổi) và Luật về hội.

Hồ Nam

Chuyên mục khác