09/06/2017 15:25
Các ý kiến cụ thể như sau:
Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:
Khi xây dựng phương án cho luật này thì cần phải đặt trong mối quan hệ, mối tương quan với các quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng mà cụ thể là Pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng và Pháp lệnh động viên quốc phòng để đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất trong 2 pháp lệnh này khắc phục chồng chéo mâu thuẫn.
Về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng và các trường hợp nổ súng quân dụng đã quy định trong dự thảo luật mới quy định 3 nhóm nguyên tắc, đó là khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự và trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí quân dụng mà chưa có quy định trách nhiệm của người ra mệnh lệnh việc sử dụng vũ khí quân dụng. Vì vậy, đề nghị bổ sung trách nhiệm của người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh quyết định của mình. Mặt khác, để làm cơ sở vững chắc cho quy định các trường hợp nổ súng quy định tại Điều 24 nên xác định rõ nguyên tắc nổ súng, khi nào thì được nổ súng phải cảnh báo, khi nào nổ súng không cần cảnh báo và bổ sung và làm rõ hơn nguyên tắc trong mọi trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại đến tính mạng con người và tài sản do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
Mục tiêu của quốc phòng, an ninh được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung mục tiêu của phạm vi điều chỉnh cửa dự án luật tại Điều 1, nội dung bảo vệ chủ quyền quốc gia trước việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Tại Khoản 7, Điều 4 có quy định: Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được thu hồi để thanh lý, tiêu hủy. Trong khi thực tiễn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, khi không còn nhu cầu sử dụng nhưng vẫn còn tốt hoặc có hư hỏng nhưng có thể sửa chữa được, vì vậy để tránh lãng phí đề nghị bổ sung Khoản 7, Điều 4 quy định theo hướng thu hồi về để quản lý, sửa chữa, thanh lý và tiêu hủy.
Đối với Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi):
Thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi luật vì qua tổng kết 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 cho thấy, từ khi có Luật, rừng đã được bảo vệ và phát triển tốt hơn, ngành lâm nghiệp nói chung đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào phát triển KT-XH đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, sản xuất lâm nghiệp nhỏ lẻ hiệu quả chưa cao, năng suất và giá trị gia tăng thấp, người trồng rừng và bảo vệ rừng có cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế để khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời nâng cao giá trị, hiệu quả quản lý rừng; thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển lâm nghiệp, ngăn chặn tốt hơn tình trạng phá rừng; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đề nghị Quốc hội xem xét lấy tên Luật là “Luật Lâm nghiệp’’ thay cho “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)” với lý do: Phạm vi điều chỉnh của Dự án luật là toàn bộ các hành vi xã hội trong lĩnh vực lâm nghiệp trên nguyên tắc quản lý theo chuỗi như trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (2008) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tên Luật là Luật Lâm nghiệp ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát đủ các nội dung Luật, phù hợp với quản lý ngành theo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm xây dựng luật của phần lớn các quốc gia khác; Nội hàm trong dự thảo luật đa số dùng cụm từ là “hoạt động lâm nghiệp”.
Đề nghị rà soát các quy định của các luật có liên quan để đảm bảo việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 thống nhất với các luật liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giá, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công... đã được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây.
Về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp (Điều 5), đề nghị bổ sung nguyên tắc “khối lượng, diện tích rừng khai thác hàng năm phải cân bằng với khối lượng, diện tích rừng tăng trưởng hàng năm” để đảm bảo nguyên tắc phát triển lâm nghiệp bền vững.
Đối với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia (Chương II), đề nghị rà soát các quy định tại chương này để đảm bảo thống nhất với Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Đối với những hành vi bị cấm ( Khoản 6, Điều 9), đề nghị xem xét lại quy định “Khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng”, vì quy định như vậy là không khả thi, ví dụ như khi xây dựng các công trình thuỷ điện sẽ làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng, nhưng thực tế đất nước chúng ta không thể không phát triển nguồn năng lượng từ thuỷ điện.
Đối với việc thu hồi rừng (Điều 23), đề nghị không quy định hành vi “cố ý” của chủ rừng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật lâm nghiệp, vì quy định như vậy sẽ khó xác định hành vi như thế nào là “cố ý” và dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm.
Đối với Dự án Luật thủy sản (sửa đổi):
Thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi luật vì lý do: Luật Thuỷ sản 2003 đã khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia vào nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho ngư dân, phát triển kinh tế của đất nước trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ đó, trong những năm gần đây ngành thuỷ sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2016 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. Nguồn lợi thuỷ sản đang suy giảm, môi trường sống của các loài thuỷ sản có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển thủy sản chưa thực sự hiệu quả và thiếu bền vững, yêu cầu hội nhập quốc tế; năng lực, kinh nghiệm quản lý và trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thuỷ sản còn hạn chế; xu hướng bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu là thách thức lớn đối với thuỷ sản Việt Nam; Việc sửa đổi Luật Thủy sản là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011-2020); Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đối với Chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy sản, đề nghị bổ sung các chính sách để ngoài việc đánh bắt hải sản, ngư dân có thêm điều kiện để cùng với các lực lượng khác hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Đối với Giải thích từ ngữ (Điều 3), đề nghị giải thích thêm khái niệm thế nào là “phát triển thuỷ sản bền vững”, vì một số quy định trong dự thảo luật đã sử dụng cụm từ này.
Tống Quang Vinh