04/04/2016 08:03
|
Trong các buổi làm việc tại hội trường, Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...; Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020... Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Y Mửi đã phát biểu tham gia 4 ý kiến thảo luận tại hội trường đối với Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020 về giao thông nông thôn, giao thông ở vùng miền núi, Tây Nguyên, vùng căn cứ cách mạng; Công tác cải cách tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước; về bố trí biên chế cho các địa phương được thành lập, chia tách đơn vị mới…
Theo đại biểu Y Mửi, đợt hạn hán lịch sử đang diễn ra ở Tây Nguyên và các tỉnh phía nam, trong đó Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân của việc thiếu nước chống hạn thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân rừng đang ngày một bị khai thác, tàn phá nặng nề, các địa phương ở địa bàn này đã có nhiều nỗ lực trong trồng rừng, khơi nguồn nước nhưng nguồn lực có hạn. Đề nghị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đặc biệt quan tâm đầu tư giải quyết vấn đề này. Trước mắt là hỗ trợ cho các địa phương các nguồn lực đủ để khắc phục được hạn hán đang xảy ra hiện tại; cũng như nhằm thực hiện giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn trong Báo cáo ngày 31/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực sự sớm đi vào hiện thực. Đối với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, cần lưu ý quan tâm đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cắm mốc phân chia địa giới giữa đất ở, đất sản xuất của người dân với đất của nông, lâm trường; địa giới giữa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với đất của dân và đất của nông, lâm trường. Đây là vấn đề được cho là một trong những nguyên nhân bức xúc, có nơi dẫn đến xung đột giữa người dân với các nông, lâm trường, với các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng quốc gia, những bức xúc, xung đột đó là mầm mống cho những điểm nóng, những bất ổn khác ở miền núi nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 2 ý kiến đối với Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội về việc thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp; việc thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước. Tham gia 2 ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội; việc xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước. Tham gia 1 ý kiến đối với Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong tuần làm việc này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cũng đã tiến hành 5 đợt thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm, dự kiến nhân sự bầu một số chức danh của Quốc hội, Chủ tịch nước...
Hồ Nam