Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

02/06/2017 08:59

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, từ ngày 29/5/2017 đến ngày 2/6/2017, tại các phiên họp, thảo luận tại hội trường và ở tổ các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 4 lượt phát biểu với 14 ý kiến tham gia đối với các nội dung thảo luận.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu ý kiến tham gia các nội dung thảo luận

 

Các ý kiến cụ thể như sau:

Đối với Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng:

Thống nhất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Trong quá trình soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã lấy ý kiến các bộ, ngành, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tuy nhiên có 3 cơ quan bảo vệ pháp luật chưa có ý kiến tham gia đó là Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, đề nghị Chính phủ giải trình thêm về nội dung này.

Nợ xấu của ngành Ngân hàng hiện còn rất lớn, trong thời gian ngắn không thể bảo đảm xử lý triệt để, do đó, để thực hiện mục tiêu xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thời gian áp dụng Nghị quyết cần đủ dài. Bên cạnh đó, trước khi Nghị quyết hết hiệu lực, Chính phủ cần rà soát các luật có liên quan và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này để đề xuất luật hóa các chính sách đã triển khai có hiệu quả và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.

Đối với Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi):

Thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tố cáo để sửa đổi những hạn chế, bất cập qua hơn 4 năm triển khai thực hiện; để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người và tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, trong trường hợp có địa chỉ rõ ràng, nội dung rõ dàng… vì việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật và đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hơn nữa, trong một số văn bản luật hiện hành cũng ghi nhận các hình thức này, chẳng hạn Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật” (Khoản 1 Điều 65);

Tán thành việc bổ sung quy định “rút tố cáo”, bởi vì tố cáo là quyền của công dân, do đó, người tố cáo nhận thấy việc tố cáo không có căn cứ hoặc họ không muốn tiếp tục thực hiện quyền tố cáo thì việc chấp thuận cho họ rút đơn là cần thiết.

Thống nhất việc  bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, đầy đủ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật.

Đối với dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi):

Đề nghị xem xét bổ sung đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo, là người bị hại trong vụ án hình sự vào đối tượng trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Đề nghị hỗ trợ kinh phí ngân sách trung ương cho thực hiện trợ giúp pháp lý cho các huyện nghèo, xã nghèo tại các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, đồng thời xem xét sửa đổi Khoản 2 Điều 1 Quyết định 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp điển hình cho phù hợp với quy định của luật này

Đề nghị xem xét lại các quy định tại Điều 26, Điều 6 để tránh trùng lặp giữa 2 điều này, đồng thời để quyền của người được trợ giúp được chủ động hơn thì nên thay các quy định tại 2 điều trên bằng quyền được bảo vệ khỏi hành vi xâm hại khi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Đối với việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành:

Thống nhất với sự cần thiết tách nội thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước nhằm báo đảm tiến độ của dự án theo Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những dự án quan trọng quốc gia đã được thực hiện, đề nghị Chính phủ quan tâm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cu và anh ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để triển khai dự án; chú trong công tác vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình tôn giáo, dân tộc thiểu số; có giải pháp phòng, chống các tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án...

Tin, ảnh: Tống Quang Vinh

Chuyên mục khác