19/04/2017 08:58
Đây là lần đầu tiên HĐND tỉnh thực hiện kết hợp cùng giám sát nhiều chuyên đề trên một địa bàn nhằm đổi mới hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho địa phương được giám sát.
Theo kế hoạch, Thường trực HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh; Ban Kinh tế-Ngân sách giám sát thực hiện Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020; Ban Văn hóa-xã hội giám sát thực hiện Nghị định số 78/2002NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Ban Dân tộc giám sát thực hiện Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo trên địa bàn.
* Tại xã Măng Ri, theo báo cáo của UBND xã, thực hiện Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, từ năm 2014 đến nay đã có 216 hộ gia đình đăng ký và được hỗ trợ trồng cà phê xứ lạnh với 61,5ha; các hộ gia đình tham gia Đề án được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ giống, phân bón… Diện tích cà phê trồng năm 2014 đã cho thu bói (năm 2016), năng suất bình quân đạt 8-9 tấn quả tươi/ha, giá bán khoảng 7.000 đồng/ha.
|
Thực hiện Nghị quyết 09/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đến nay toàn xã có 1.756,54ha rừng giao khoán cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; kiện toàn Ban chỉ huy cấp xã; thành lập các tổ, đội quần chúng; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát…
Về triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ 9 chương trình, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 6,483 tỷ với 316 hộ vay còn dư nợ; tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,99% tổng dư nợ (64 triệu đồng/19 hộ); không có nợ khoanh, nợ bị chiếm dụng hay sử dụng sai mục đích.
Đối với Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của UBND xã, trên địa bàn mới triển khai hạng mục hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (75 bồn nước/75 hộ gia đình) và hỗ trợ san ủi mặt bằng làm nhà cho 8 hộ (1 triệu đồng/hộ).
Chính quyền xã kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh làm việc với các ngành chức năng sớm đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình đăng ký tham gia Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy; sớm quy hoạch vùng phát triển cây dược liệu để thông báo cho người dân…
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các ban HĐND tỉnh, đồng chí Kring Ba ghi nhận những kết quả mà chính quyền địa phương đã đạt được trong việc triển khai các nội dung nói trên cũng như những khó khăn gặp phải trong thực tế, đồng thời nhấn mạnh: việc thực hiện có hiệu quả các chương trình này sẽ góp phần tạo động lực to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Trong thời gian tới, UBND xã Măng Ri cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, làm tốt công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê; công bố công khai Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cho dân biết và thực hiện; tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, hiểu đủ về các nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, có ý thức hoàn trả vốn vay đúng hạn.
Đồng chí cũng đề nghị UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo phòng ban chức năng phối hợp với chính quyền xã sớm triển khai việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia Đề án; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy để bà con sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ rừng…
* Tại xã Tê Xăng, thực hiện Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong 2 năm 2015-2016, toàn xã có 80 hộ gia đình đăng ký trồng 28,5ha, hiện cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt; năm 2017 có 28 hộ đăng ký trồng 6,5ha. Xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông tỉnh hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, khó khăn là đa số hộ gia đình tham gia đề án đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất trồng cà phê phần lớn nằm ở khu vực có độ dốc lớn, phân tán, giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng đến khâu chăm sóc…
|
Về thực hiện Nghị quyết 09/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, xã đã phối hợp với chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn họp dân thông báo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng… Theo số liệu được công bố trong Quy hoạch, toàn xã có 2.996,9ha rừng, trong đó rừng sản xuất chiếm 2.465,5ha, còn lại là rừng trồng và rừng phòng hộ, hiện đã giao khoán cho dân 1.673,78ha.
Triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, hiện tổng dư nợ của 9 chương trình tín dụng trên địa bàn xã đạt 10,065 tỷ đồng, trong đó chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo có dư nợ lớn nhất với 5,67 tỷ đồng/198 hộ (chiếm 25,22% tổng dư nợ); không có nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng hay sử dụng sai mục đích. Chính quyền xã kiến nghị nâng mức cho vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn..
Đối với Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã đã bố trí cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm để tổ chức thực hiện; tổ chức họp thôn để bình xét công khai đối tượng được hỗ trợ; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ. Đến nay, đã hỗ trợ 5 hộ gia đình san ủi mặt bằng làm nhà (1 triệu đồng/hộ); hỗ trợ đất sản xuất cho 1 hộ (11,1 triệu đồng). Hiện đang triển khai thủ tục hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 8 hộ, hỗ trợ nhu cầu vay vốn cho 7 hộ.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Kring Ba biểu dương xã Tê Xăng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chương trình, đề án, từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng quan điểm, mục đích, yêu cầu của Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh để tích cực đăng ký tham gia, tránh qua loa, hình thức, chạy theo số lượng; phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, chủ động khắc phục tình trạng thiếu phân bón hữu cơ; triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo; chú trọng thực hiện quy hoạch rừng giai đoạn 2016-2020...
Tin, ảnh: Thành Hưng