Đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ tại huyện Đăk Glei

10/08/2017 14:12

Ngày 9/8, đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình phòng, chống bão lũ tại huyện Đăk Glei.

Theo báo cáo của UBND huyện, từ đầu năm 2017 đến nay, do ảnh hưởng của các cơn bão, gió lốc và mưa lớn đã gây thiệt đáng kể về cơ sở vật chất và tài sản của người dân trên địa bàn huyện. Nhiều tuyến đường giao thông thôn, xã bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người tham gia giao thông như tuyến đường ĐH83 xã Đăk Nhoong (đoạn Km 9+500) sạt lở ta luy âm dài 7m, sâu 3,5m; tuyến đường liên xã Đăk Nhoong - Đăk Blô (đoạn Km 15+150) sạt lở dài 30m, sâu 4,6m; đường liên thôn Pêng Prông (xã Đăk Pék) bị sụt lún dài 35m, rộng 4m, sâu gần 1m; tuyến đường nội thôn khu tái định cư Kon Riêng (xã Đăk Choong) bị sụt, nứt gãy phía taluy âm rộng 12,5m, dài 6m; cầu treo dân sinh đi vào khu sản xuất thôn Đăk Tum (xã Đăk Môn) bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, mưa bão cũng đã làm hư hỏng 5 trụ điện, hàng chục nhà dân, điểm trường học... với tổng thiệt hại ước tính 5 tỷ đồng.

Để khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, huyện Đăk Glei đã xuất ngân sách 100 triệu đồng hỗ trợ sửa chữa 32 nhà dân bị tốc mái và hư hỏng; chỉ đạo các xã, thị trấn cắm biển báo các tuyến đường giao thông bị sạt lở; tiến hành khảo sát, cấp kinh phí mua vật liệu xây dựng để sửa chữa; khôi phục diện tích lúa bị bồi lấp; huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp, thu gom vật liệu, di dời hộ dân đến nơi an toàn và khắc phục tạm thời các hư hỏng để ổn định đời sống cho nhân dân...

Đồng chí Nguyễn Đức Tuy phát biểu tại buổi làm việc

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Tuy đề nghị huyện tiếp tục rà soát, xác định các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão; chú trọng tổ chức diễn tập, cứu hộ, cứu nạn; triển khai phòng, chống bão lũ ngay tại cơ sở. Chính quyền địa phương cần sâu sát hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là triển khai các giải pháp cụ thể, hiệu quả như tổ chức di dời 23 hộ dân tại xã Đăk Nhoong ra khỏi vùng sạt lở; trồng tre lấy măng tại các điểm sạt lở; chủ động bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hại do bão, lũ gây ra; thường xuyển kiểm tra mực nước lên, xuống tại sông Pô Kô; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân trong phòng, chống bão lũ.

Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Đức Tuy đề nghị huyện cần xác định cụ thể các điểm sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; có phương án quy hoạch, kế hoạch di dời những thôn làng có nguy cơ bị sạt lở do bão lũ; kiểm tra phương án người dân định cư dọc sông Pô Kô để thực hiện việc di dời nơi ở mới an toàn hơn; xây dựng quy hoạch qua cầu treo sông Pô Kô để giúp người dân đi lại dễ dàng; có phương án phòng chống sạt lở trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị bằng cách trồng các loại cây lâu năm để phòng chống sạt lở; cắm mốc, biển báo những nơi bị sạt lở để phòng ngừa tai nạn; chuẩn bị tốt nhất các phương án phòng, chống bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; có phương án hỗ trợ đời sống nhân dân khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai...

Đồng chí Nguyễn Đức Tuy kiểm tra điểm sạt lở tại thôn Kon Riêng (xã Đăk Choong)

 

Sau buổi làm việc với UBND huyện, đồng chí Nguyễn Đức Tuy đã đi kiểm tra các điểm sạt lở và công tác phòng, chống bão lũ ở xã Đăk Choong.

Tin, ảnh: Quang Định

Chuyên mục khác