Đoàn kết, đổi mới, giữ vững ổn định để phát triển bền vững

30/09/2015 13:51

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Kon Tum, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, Kon Tum đã đạt được những thành quả quan trọng. Toàn Đảng bộ thể hiện là một khối thống nhất ý chí và hành động...

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV diễn ra vào những ngày đầu tháng 10/2015, nhằm kiểm điểm, đánh giá những thành tựu và làm rõ những hạn chế, khuyết điểm trong 5 năm nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp, định hướng cho Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ tiếp theo. Trước ngày khai mạc Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum...

Đánh giá tổng quan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, Kon Tum đã đạt được những thành quả quan trọng. Toàn Đảng bộ thể hiện là một khối thống nhất ý chí và hành động trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp trên và cấp mình. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố. Công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức được triển khai tích cực. Các nguồn lực được chú trọng khai thác và sử dụng. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,94%, giá trị tổng sản phẩm tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm đạt mục tiêu đề ra. QP-AN được giữ vững, chính trị xã hội ổn định...

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, để có được những thành tựu nổi bật ấy, bên cạnh sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trước hết Đảng bộ tỉnh phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Xin đồng chí đánh giá về những thành tựu nổi bật của công tác này trong nhiệm kỳ qua?

Đ/c Nguyễn Văn Hùng: Trong nhiệm kỳ vừa qua, với tinh thần đoàn kết, nhất trí và quyết tâm chính trị cao nhằm đưa tỉnh Kon Tum thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh và đạt được những thành tựu rất quan trọng, trong đó công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả cụ thể sau:

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tổ chức bộ máy tiếp tục được củng cố, kiện toàn, phát huy được vai trò và đáp ứng nhiệm vụ được giao. Công tác phát triển đảng, nhất là ở những nơi khó khăn tiếp tục được chú trọng; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp 6.378 đảng viên mới (vượt 41,73% chỉ tiêu Nghị quyết), nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên 23.579 đảng viên; giảm số thôn, làng chưa có tổ chức đảng còn 17/857 và số thôn, làng chưa có đảng viên còn 10/857.

Đội ngũ cán bộ cơ bản đảm bảo cơ cấu, chất lượng, trưởng thành về mọi mặt và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Chất lượng quy hoạch cán bộ các cấp ngày càng tốt hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện quyết liệt; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cử 7.340 lượt cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng; đã điều động, bổ nhiệm 125 lượt cán bộ, bổ nhiệm lại 47 đồng chí, luân chuyển 126 lượt cán bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo người DTTS, cán bộ trẻ, cán bộ nữ tăng về số lượng, nâng dần về chất lượng và hiệu quả công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, khắc phục được tình trạng hẫng hụt ở nhiều ngành, địa phương: Đối với cấp ủy tỉnh, cán bộ DTTS chiếm 33,33%, dưới 40 tuổi chiếm 10%, từ 40-50 tuổi chiếm 38,33%, cán bộ nữ chiếm 15%; cấp ủy huyện và tương đương, cán bộ DTTS chiếm 27,65%, cán bộ trẻ từ 30-35 tuổi chiếm 10,2%, cán bộ nữ chiếm 17,06%; cấp ủy cơ sở, cán bộ DTTS chiếm 27,34%, dưới 35 tuổi chiếm 24,66%, cán bộ nữ chiếm 19,96%. Đội ngũ cán bộ cấp xã ngày được chuẩn hóa.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tiếp tục được tăng cường; đã chú trọng kiểm tra, giám sát vào những vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm; qua đó đã phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm, ngăn ngừa sai phạm, đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập, xử lý kỷ luật nghiêm đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6-2015, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật 506 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt đảng 11 trường hợp.

Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới. Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên rõ rệt, nhất là việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục được nâng lên. Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức từng bước được chấn chỉnh. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Những thành tựu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tác động tích cực, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng kiểm tra thực địa tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y

 

Phóng viên: Việc triển khai thực hiện NQ TW4 (khóa XI) gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ trên địa bàn tỉnh. Xin đồng chí đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại và giải pháp khắc phục?

Đ/c Nguyễn Văn Hùng: Sau khi Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được ban hành, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, trong đó gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các TCCSĐ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức đúng đắn hơn và tin tưởng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc.

Việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình đảm bảo phát huy dân chủ, nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh, đồng thời đảm bảo dựa trên nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, không chủ quan, quy chụp, xen lẫn động cơ cá nhân.

Qua kiểm điểm, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giải trình trung thực, đi thẳng vào nội dung, bản chất của sự việc, đồng thời tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các tập thể và cá nhân. Kết quả kiểm điểm đã xác định được những khuyết điểm, yếu kém của tập thể và cá nhân cần nghiêm túc rút kinh nghiệm (cả trong phong cách, ứng xử, lề lối làm việc...).

Đối với các cấp ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị, qua kiểm điểm nhiều nơi đã chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm, xác định những việc cần làm ngay và thể hiện quyết tâm khắc phục, sửa chữa tồn tại, khuyết điểm. Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã phổ biến kinh nghiệm của cấp mình cho các cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan trực thuộc; xây dựng kế hoạch phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; chỉ đạo giải quyết ngay một số việc bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị.

Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã biểu dương, khen thưởng 178 tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến vì đã có những việc làm cụ thể, thiết thực đạt hiệu quả cao, được nhân dân và cấp uỷ, chính quyền địa phương ghi nhận.  

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện NQTW 4 (khóa XI) trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định: Tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng chưa cao; vẫn còn một số đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thực hiện tốt việc nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ, trong việc quản lý và sử dụng tài sản công; công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn và tổ chức xây dựng các quy định, quy trình, quy chế về công tác tổ chức cán bộ ở một số huyện, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức; một số cấp ủy chậm có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí lại đối với cán bộ chưa đạt chuẩn theo quy định...

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện NQTW 4 (khóa XI), trong thời gian tới Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng về tầm quan trọng, ý nghĩa của NQTW 4 (khóa XI); lãnh đạo khắc phục triệt để các khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo NQTW 4 (khóa XI) và kiểm điểm hằng năm.

 Chú trọng công tác theo dõi, giúp đỡ cán bộ sau khi được điều động, luân chuyển hoặc bổ nhiệm mới; thường xuyên theo dõi, giám sát và kịp thời nhắc nhở những cán bộ chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; kịp thời chấn chỉnh, xử lý kiên quyết đối với một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chậm khắc phục các khuyết điểm đã chỉ ra qua kiểm điểm.

Tăng cường chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện NQTW 4 (khóa XI) vào sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung chỉ đạo hướng dẫn cách làm cụ thể trong việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; chỉ đạo các TCCSĐ hằng năm lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc còn yếu kém, hạn chế để tập trung giải quyết; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng những cách làm hiệu quả trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nhân rộng; tăng cường tuyên truyền các mô hình, điển hình trên phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục đưa nội dung khắc phục các khuyết điểm qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo NQTW 4 (khóa XI), học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của các cấp ủy; chỉ đạo rà soát, xử lý kịp thời những vụ việc nổi cộm, bức xúc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tăng cường bám cơ sở, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của đảng viên, cán bộ, nhân dân; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị "về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội" và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Quyết định số 1386-QĐ/TU, ngày 17-6-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII "về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị".

Phóng viên: Đại hội XV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 xác định chủ đề là: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển bền vững", vậy thưa đồng chí, giải pháp nào để sớm hoàn thành mục tiêu trên?

Đ/c Nguyễn Văn Hùng: Để hoàn thành mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới; hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và trường lớp, bệnh viện, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình… Ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị làm hạt nhân phát triển, gắn với lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới.

Tiếp tục đầu tư cho ba vùng kinh tế động lực của tỉnh: vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum tập trung cho một số công trình trọng điểm như khu đô thị mới, khu-cụm công nghiệp, trung tâm hành chính mới của tỉnh…; vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi ưu tiên đầu tư nâng cấp chỉnh trang để thành lập thị xã, phát triển và khai thác hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y…; vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.

Hai là, thực hiện tái cơ cấu đồng bộ nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh gắn với đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó:

Phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hình thành và phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Ia H'Drai (phát triển chăn nuôi, cây cà phê, rau hoa…). Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp của tỉnh có thế mạnh: chế biến giấy và bột giấy, chế biến sâu cà phê, cao su, mì và một số nông sản khác. Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, du lịch, chăm sóc sức khỏe… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ của nhân dân.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên một số lĩnh vực. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bốn là, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Triển khai có hiệu quả các hoạt động hội nhập quốc tế.

Năm là, đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khuyến khích sáng tạo của người dân trong phát triển KT-XH, tạo sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đặc biệt là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có tinh thần trách nhiệm và sự tín nhiệm cao, có năng lực, tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đủ năng lực, uy tín để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tú Quyên (thực hiện)

Chuyên mục khác