Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia 2 Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

12/04/2017 08:58

Để tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Kon Tum tham gia xây dựng các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, chiều ngày 11/4, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ngành, cơ quan có liên quan của tỉnh tham gia, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng chí A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Lao động Thương binh - Xã hội, Sở Tài chính, Hội Luật gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh…

Các đại biểu tham dự hội nghị

 

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của 2 dự án luật này; đồng thời tham gia 16 ý kiến cụ thể vào Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tính khả thi của dự án luật, về tiêu chí xác định, nguồn lực hỗ trợ, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hành vi bị cấm; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật đấu thầu…

Các đại biểu cũng đã tham gia 14 ý kiến vào Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) về người được trợ giúp pháp lý; nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý; Đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; Cộng tác viên trợ giúp pháp lý; Miễn nhiệm, thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý;...

Theo các đại biểu, tại khoản 2, Điều 7 (Người được trợ giúp pháp lý), cần xem xét thay cụm từ “thường trú tại địa bàn” bằng cụm từ “sinh sống ở vùng”, vì qua thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp người dân tộc thiểu số sinh sống lâu dài ở vùng không phải là vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng hộ khẩu thường trú của họ vẫn ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng hộ khẩu ở vùng không khó khăn, dẫn đến sự nhầm lẫn, bỏ sót đối tượng khi xác định đối tượng được trợ giúp pháp lý cho những người này. Bổ sung thêm đối tượng về người được trợ giúp pháp lý là người bị bệnh hiểm nghèo nếu họ có khó khăn về tài chính. Tại khoản 2, Điều 22 (Cộng tác viên trợ giúp pháp lý), đề nghị xem xét, nâng thời gian mà Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chấm dứt hợp đồng cộng tác viên trợ giúp pháp lý và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý đối với người không tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian từ 01 năm lên 03 năm để giữ đội ngũ cộng tác viên và tránh bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện...

Tin, ảnh: Hồ Nam

Chuyên mục khác