Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về rừng tại huyện Kon Rẫy

15/09/2017 08:25

Ngày 14/9, Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trồng rừng thay thế; giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình tại huyện Kon Rẫy.

Tham gia cùng đoàn có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan. 

Sau khi đi khảo sát thực tế việc trồng rừng thay thế, giao đất giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình tại xã Đăk Kôi, Đoàn ĐBQH tỉnh nghe UBND huyện Kon Rẫy và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy báo cáo việc thực hiện các chính sách này.

Đoàn công tác khảo sát các hộ nhận đất, nhận rừng

 

Theo đánh giá, từ năm 2014-2016, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy trồng 516,12ha rừng sản xuất thay thế tại địa phương. Mức đầu tư cho 1ha trồng rừng thay thế là 43,75 triệu đồng. Rừng trồng thay thế đang sinh trưởng tốt.    

Huyện Kon Rẫy giao 12.850,49ha rừng, đất rừng cho 938 hộ gia đình, cá nhân quản lý. Việc giao đất, giao rừng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn thông qua chính sách dịch vụ môi trường rừng. Ở diện tích rừng được giao, tình trạng khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép được hạn chế đáng kể.  

Khó khăn là đơn giá trồng rừng thay thế ở tỉnh thấp; kế hoạch giao muộn ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch trồng rừng; chưa có cơ chế hưởng lợi rừng trồng thay thế; chưa có chế tài để ngăn chặn các hành vi mua bán, khai thác, phá rừng làm nương rẫy và sử dụng bất hợp pháp.  

UBND huyện Kon Rẫy kiến nghị các ngành chức năng ban hành bổ sung về cơ chế, chính sách hưởng lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận đất nhận rừng; có cơ chế xử lý nghiêm các hộ nhận đất nhận rừng để rừng bị xâm hại; có chính sách hỗ trợ giống cho các hộ trồng các loại cây phù hợp trên diện tích đất trống được giao.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy kiến nghị với Quốc hội có ý kiến với Chính phủ và các bộ ngành, địa phương ban hành định mức chung về đơn giá trồng rừng cho từng vùng trên cả nước; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những chủ dự án không chấp hành trồng rừng thay thế trên diện tích rừng chuyển sang mục đích khác…

Các thành viên trong Đoàn đề nghị huyện làm rõ thêm những vấn đề tồn tại trong việc trồng rừng thay thế, giao đất, giao rừng; việc giao rừng theo phương thức nào (cộng đồng, hộ gia đình) hiệu quả hơn; các giải pháp thực hiện trong thời gian đến…

Phát biểu tại cuộc khảo sát, đồng chí Tô Văn Tám- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận những nỗ lực trong việc trồng rừng thay thế, giao đất giao rừng cho hộ gia đình ở địa phương theo quy định; đồng thời đề nghị huyện tiếp tục quan tâm đến việc giao đất giao rừng cho người dân và cộng đồng...

Tin, ảnh: VN

Chuyên mục khác