13/09/2017 08:03
Tham gia cùng đoàn có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan.
Sau khi đi khảo sát thực tế việc trồng rừng thay thế tại Ban quản lý Rừng phòng hộ Đăk Nhoong, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei và việc giao đất giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình là người dân tộc thiểu số tại xã Đăk Nhoong, Đoàn ĐBQH tỉnh nghe UBND huyện báo cáo việc thực hiện các chính sách này.
|
Theo báo cáo đánh giá, trong giai đoạn từ năm 2014-2017, trên địa bàn huyện Đăk Glei, các chủ rừng trồng được 168,1ha rừng (73,1ha rừng phòng hộ và 95ha rừng sản xuất) theo chương trình trồng rừng thay thế. Mức đầu tư cho 1ha trồng rừng thay thế là 43,75 triệu đồng. Việc trồng rừng phục hồi một phần diện tích bị mất, nâng độ che phủ rừng, tạo môi trường sinh thái; tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân tham gia trồng rừng trên địa bàn.
Toàn huyện giao 2.851,13ha rừng cho 18 cộng đồng theo Đề án giao đất, giao rừng của tỉnh; giao 2.976,7ha rừng/247 hộ ở các xã theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh. Việc giao đất, giao rừng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Người dân và cộng đồng ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. Tài nguyên rừng được phục hồi, tình hình vi phạm lâm luật giảm đáng kể so với trước.
Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế của một số đơn vị không đạt kế hoạch. Nguyên nhân do một số diện tích trồng rừng thay thế người dân lấn chiếm trái phép làm nương rẫy khó thu hồi; kế hoạch trồng rừng được tỉnh giao chậm so với thời vụ; đơn giá trồng rừng thấp. Các điều khoản về quyền lợi của các hộ được giao đất, giao rừng chưa phù hợp với thực tế, sản phẩm hưởng lợi từ rừng chưa được tính toán cụ thể…
Trước yêu cầu đặt ra, UBND huyện đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, chỉnh sửa, bổ sung các điều khoản về quyền lợi của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng đảm bảo phù hợp với thực tế.
Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm sớm để các chủ rừng có cơ sở và chủ động trong công tác chuẩn bị trồng rừng; nâng đơn giá trồng rừng; diện tích rừng hiện tại do UBND các xã, thị trấn quản lý nên giao lại cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý để rừng có chủ thực sự…
Phát biểu tại cuộc khảo sát, đồng chí Tô Văn Tám - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận việc giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình tại huyện thực hiện theo đúng quy định của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng chồng lấn rừng vẫn còn, huyện cần rà soát lại rừng và tiếp tục giao đất giao rừng cho dân, rà soát rừng chồng lấn và tiếp tục trồng rừng thay thế…
Tin, ảnh: VN