04/12/2016 09:34
Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở: Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương.
|
Sau khi nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của Đoàn tại kỳ họp, cử tri 2 xã Ya Xiêr, Đoàn Kết bày tỏ phấn khởi trước thành công của kỳ họp thứ hai; đánh giá cao sự đổi mới của kỳ họp cũng như tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội nói chung và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nói riêng trong quá trình thảo luận, làm rõ và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…
* Tại xã Ia Xiêr: Cử tri phản ánh, tuyến đường từ làng Rắc đi các thôn 1, 2, 3 đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Sân bay Kleng (có diện tích 19,8ha) nằm trong khu dân cư thuộc thị trấn Sa Thầy do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, hiện đã xây dựng doanh trại hết 9,5ha, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuyển giao 9,3ha còn lại về cho địa phương để quản lý, bố trí sử dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của địa phương.
Cử tri kiến nghị bổ sung biên chế công chức chuyên trách văn phòng cấp ủy; xem xét lại định mức khoán xe công hiện nay, bởi chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở huyện miền núi, biên giới, địa bàn phức tạp như Sa Thầy. Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, cho chủ trương chuyển đổi 80ha rừng phòng hộ ở làng Rắc để cấp cho dân làng làm nhà khi thực hiện giãn dân, tách hộ, do hiện nay quỹ đất trong làng đã hết.
Trả lời kiến nghị chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ để cấp cho dân làm nhà, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị huyện, xã kiểm tra thực trạng, nếu có rừng thì không được chuyển đổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trừ sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng; nếu là đất trống, huyện có thể tiến hành thủ tục xin chuyển đổi theo luật định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm- Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, huyện đã có kế hoạch điều tra, rà soát lại diện tích rừng phòng hộ ở làng Rắc để điều chỉnh quy hoạch, lập thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tuy nhiên phải có lộ trình và phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về bổ sung biên chế làm nhiệm vụ văn phòng Đảng ủy xã, huyện sẽ triển khai việc điều chuyển công chức xã hợp lý giữa các khối, đảm bảo không tăng biên chế nhưng nâng cao hiệu quả hoạt động của văn phòng cấp ủy.
Về tuyến đường từ làng Rắc đi các thôn 1,2,3 (xã Ia Xiêr) dài khoảng 8km, huyện đã lồng ghép nhiều nguồn để nâng cấp, tuy nhiên, hiện nay nguồn ngân sách rất khó khăn, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho tuyến đường lớn nên chưa thể làm mới toàn tuyến ngay được, đề nghị cử tri chia sẻ, huyện sẽ quan tâm bố trí nguồn vốn khi có điều kiện.
* Cử tri xã Đoàn Kết đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh đến các đại biểu Quốc hội tỉnh về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự, ổn định đời sống người dân trên địa bàn.
Trong đó, cử tri phản ánh Tỉnh lộ 671 qua xã có nhiều đoạn bị xuống cấp, một số cống thoát nước ngang bị vỡ, lòng đường nhỏ hẹp dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông cao, đề nghị bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Trong thời gian qua, người dân có nghe thông tin về đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bờ Y – Plei Ku, tuy nhiên chưa nắm được tình hình cụ thể về công tác thu hồi đất nên không dám canh tác, chuyển đổi đất trồng cây công nghiệp. Hiện nay, giá cả nông sản xuống thấp, ảnh hưởng đến đời sống và tái sản xuất của người dân, đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, các bộ ngành liên quan có giải pháp và chính sách hỗ trợ bà con nông dân.
Cử tri bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm hộ gia đình còn những quy định bất hợp lý; việc khai sinh, kê khai hộ tịch hộ khẩu cho con em người dân tộc thiểu số có những khó khăn cần được hướng dẫn cụ thể hơn, ví dụ như nhánh Rơ Ngao của dân tộc Ba Na, khi khai sinh không biết ghi dân tộc gì; chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn rất thấp, không đảm bảo đời sống; nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm, mong Nhà nước quan tâm giải quyết.
Đặc biệt, cử tri đề nghị xem xét lại việc xử lý cán bộ trên địa bàn thành phố Kon Tum sử dụng bằng giả và môi giới sử dụng bằng giả, đã bị truy tố, nhưng mức kỷ luật cách chức về mặt chính quyền và khiển trách về mặt Đảng là quá nhẹ.
Ông Nguyễn Xuân Ninh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết, đến nay chính quyền thành phố đã nhận mốc tuyến đường cao tốc Bờ Y – Plei Ku, tuy nhiên, đây là công trình đầu tư dài hạn, dự kiến đến năm 2025 mới triển khai xây dựng nên bà con cứ yên tâm sản xuất, lưu ý không xây dựng công trình kiên cố, nhà nước sẽ quản lý theo đúng quy hoạch. Về việc xử lý trường hợp cán bộ là đảng viên vi phạm, đã có sự vào cuộc điều tra của cơ quan công an, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, nên mức kỷ luật đảm bảo đúng người, đúng tội.
Riêng đối với ý kiến về rắc rối trong khai sinh, kê khai hộ tich hộ khẩu cho con em người dân tộc thiểu số, đề nghị cán bộ làm công tác tư pháp liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn cụ thể.
Phát biểu trước cử tri, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cảm ơn cử tri đã quan tâm, tham gia buổi tiếp xúc đông và thể hiện lòng tin đối với các đại biểu Quốc hội thông qua những ý kiến, kiến nghị xác đáng. Các đại biểu Quốc hội tỉnh nói riêng và đại biểu Quốc hội cả nước nói chung sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri cả nước, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
Đồng chí Tô Văn Tám trực tiếp giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những nội dung thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, truyền đạt đến các cơ quan hữu quan xem xét, trả lời.
Thành Hưng