Bộ LĐ-TB&XH làm việc với UBND tỉnh về hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên

18/04/2018 18:11

Chiều 18/4, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Quân làm Trưởng đoàn về việc cung cấp một số nội dung phục vụ xây dựng Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Tiếp và làm việc với đoàn còn có đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTB&XH; một số trường cao đẳng, đại học trong cả nước; các sở, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại buổi làm việc

 

Hiện tại, tỉnh Kon Tum có 415 cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô đào tạo khoảng 6.500 học viên/năm, trình độ được đào tạo từ sơ cấp nghề - dạy nghề dưới 3 tháng đến đào tạo bậc cao đẳng. Giai đoạn 2011-2015, các đơn vị nghề nghiệp trong tỉnh đã tổ chức tuyển sinh 21.372 người.

Theo UBND tỉnh, định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề đến năm 2020 là củng cố, phát triển được 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hình thức sở hữu công lập, tổng quy mô tuyển sinh gần 25.600 học viên; và tính đến 2030 phát triển được 13 cơ sở và tuyển được khoảng 47.900 học viên.

Ngoài ra, theo Quyết định 111 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2011-2020, nhu cầu đào tạo nguồn lực địa phương đa lĩnh vực, ngành, nghề với tổng số hơn 57.600 người.

Khó khăn hiện tại của tỉnh là, công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm, nhiều ngành nghề không có học sinh, sinh viên đăng ký học. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định về danh mục tối thiểu trong công tác đào tạo nghề. Một số đơn vị đào tạo nghề được đầu tư từ năm 2012 đến nay chưa hoàn thiện đầu tư xây dựng, công tác tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên chưa có đủ điều kiện tham gia hoạt động đào tạo.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quân ghi nhận những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề nghiệp của địa phương thời gian qua. Đồng thời thông tin, hiện tại, nhu cầu học nghề của học sinh, sinh viên 2 nước bạn Lào và Campuchia ở các cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam khá đông. Do đó, việc triển khai Đề án trên ở tỉnh Kon Tum vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho khu vực phát triển tam giác 3 nước, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương.

Đồng chí Thứ trưởng thống nhất dự kiến lựa chọn Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum thực hiện công tác đào tạo nghề theo Đề án, có phương án đề xuất với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về thành lập Trung tâm hoặc Viện đào tạo cho du học sinh trực thuộc trường này. Do đó, UBND tỉnh sớm chỉ đạo Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum khảo sát, lựa chọn và tham mưu ưu tiên đào tạo các ngành nghề phù hợp, tính toán lộ trình đào tạo, phương thức đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo; xác định rõ ngành nghề đào tạo mũi nhọn, gắn với giải quyết việc làm sau lao động cho địa phương, các học viên. Sau đợt làm việc  này, Đoàn công tác sẽ có báo cáo hoàn chỉnh cho Bộ LĐ-TB&XH; thường xuyên liên kết, có trách nhiệm phối hợp, tổ chức triển khai xây dựng, thực hiện Đề án trên tại Kon Tum, trong thời gian tới khi có sự chỉ đạo của Bộ, Chính phủ.  

Tin, ảnh: Mai Trâm

Chuyên mục khác