Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến

19/12/2016 07:31

“Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi ngày 19/12/1946 được coi như phát súng đầu tiên cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Lời của Bác đã khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất, trở thành ánh sáng soi đường, thôi thúc cổ vũ toàn dân, toàn quân đi đến thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp.

“Ngàn cân treo sợi tóc”

Tháng 8/1945, chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, nhân dân Việt Nam đã vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Do bối cảnh trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp, nền độc lập non trẻ của dân tộc Việt Nam đứng trước muôn vàn thử thách hiểm nghèo. Bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản hoành hành. Bên ngoài, giặc ngoại xâm liên tục tấn công.

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc.

Nhưng “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”, bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong các ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội, rồi gây ra những vụ tàn sát đẫm máu, đồng thời ngang ngược ra tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính Hà Nội, phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở thủ đô. Chúng tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946.

Dân tộc Việt Nam bị kẻ thù đặt trước hai con đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại làm nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không có lựa chọn nào hơn là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.

“Giờ cứu quốc đã đến”

Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiều 19/12/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc kháng chiến trong toàn quốc. 20h ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (viết xong ngày 12/12/1946) và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh đã xác lập đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính; trở thành ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chuyển cả đất nước vào thời chiến

Thủ đô Hà Nội trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Sau đòn tiến công chủ động, đồng loạt và bất ngờ lúc 20h ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc.

Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến. Quân và dân Thủ đô đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận chiến đấu lâu dài.

Phối hợp với Thủ đô Hà Nội, quân và dân các đô thị ở Bắc vĩ tuyến 16 cũng giành được thắng lợi quan trọng. Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Đồng thời, cùng với những cuộc chiến đấu trực tiếp với quân Pháp, chúng ta thực hiện cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc vào An toàn khu.

Đến tháng 3/1947, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận đã được chuyển lên Việt Bắc an toàn. Việt Bắc trở thành Thủ đô của cuộc kháng chiến toàn quốc. Ở các địa phương cũng diễn ra việc di chuyển cơ quan vào các vùng nông thôn hoặc những nơi rừng núi, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc giữa các địa phương và Trung ương ở chiến khu Việt Bắc. Nhân dân các vùng có chiến sự cũng triệt để thi hành chính sách “vườn không nhà trống”, tản cư ra vùng tự do.

Chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hoạt động của đất nước đã chuyển hướng theo hoàn cảnh thời chiến và phục vụ kháng chiến lâu dài. Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân, dân Thủ đô Hà Nội và của cả nước trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo của cuộc kháng chiến.

Cùng với “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sỹ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng vọng non sông thúc giục những người con nước Việt đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do và những quyền dân tộc thiêng liêng. Bảy thập kỉ đã qua, giá trị lịch sử của Ngày toàn quốc kháng chiến vẫn vẹn nguyên, nhất là trong thời kỳ đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vân Tuyền (tổng hợp)

Chuyên mục khác