Những nẻo đường biên cương

04/02/2016 15:42

Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại các xã biên giới huyện Đăk Glei thăm các chiến sĩ Biên phòng đang làm nhiệm vụ canh giữ biên cương của Tổ quốc. Trên những nẻo đường biên cương, tôi thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay diệu kỳ của một vùng cao biên giới - nơi mà cách đây không lâu vẫn còn heo hút…

Vượt Cổng trời

Đúng 9h sáng, chúng tôi bắt đầu vượt dốc Măng Khênh. Trời không mưa, nhưng con dốc vẫn ướt nhẹp, lầy lội. Chiếc Uoát của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh rú ga trườn lên từng tí một. Chiến sĩ lái xe tên Luận phải đánh tay lái liên tục, xoay qua xoay lại như múa để giữ thăng bằng. Chúng tôi buột miệng khen: “Đúng là tay lái lụa”. Anh Luận giải thích: Đường trơn và dốc thế này, phải đánh tay lái liên tục, xe mới có độ bám lên dốc…

Trước đây, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đầu tư kinh phí để bê tông hóa đoạn đường này, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân trong xã và cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Đăk Blô. Thế nhưng, qua vài năm, những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp xây dựng, giao thông… đã cày nát con đường. Con dốc vốn đã lầy lội, khó đi, nay càng nhầy nhụa, nham nhở.

Chiếc xe đang trườn lên dốc, bỗng khựng lại, phía trước có một chiếc xe tải đang mắc lầy, nằm chình ình ngay giữa khúc ngoặt. Chúng tôi buộc phải xuống xe và ngồi chờ… Chiếc xe tải rú ga vượt qua đoạn lầy, nhưng lại trượt xuống…Vài chục lần như vậy, đoạn đường càng bị lún sâu thêm. Vậy là dự định vào Đồn Biên phòng trước buổi trưa không thành hiện thực, chúng tôi đành phải chờ đợi giữa núi rừng biên giới…

Một lúc sau, anh Luận quyết định chọn giải pháp cho xe Uoát lùi lại đến xuống gần cuối dốc, để cho chiếc xe tải lùi xuống tránh qua chỗ đường rộng để chiếc Uoát tìm cách len qua để đi tiếp…

Gian nan đường lên Cổng trời

 

10h, chúng tôi đến Cổng trời. Trước khi có con đường bê tông, đây là đoạn đường gian nan nhất, dốc cao sừng sững, quanh năm lầy lội do mưa phùn. Mỗi lần đến thăm đồn, xe ô tô phải đậu trên đầu dốc, vì nếu trời đổ mưa sẽ phải “tăng bo”, nếu không thì phải nằm chờ… trời nắng mới lên dốc được. May thay, đoạn dốc Cổng trời nền bê tông vẫn còn nguyên vẹn, nên xe đi khá dễ dàng.

Xe dừng ở đỉnh Cổng trời. Ra khỏi xe, chúng tôi tha hồ hít thở không khí trong lành của núi rừng trong nắng sớm. Giữa lưng chừng núi, những áng mây trắng như bông trôi bồng bềnh hòa với màu xanh cây cỏ. Thật là một khung cảnh thiên nhiên hữu tình, đẹp như bức tranh vẽ giữa đại ngàn biên giới…

Thắm tình hữu nghị

Chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Đăk Blô đã gần trưa. Hôm nay, hầu hết lãnh đạo, chỉ huy Đồn đi vắng, tiếp chúng tôi chỉ có mỗi Thiếu tá A Nhuận - Chính trị viên phó của Đồn. Vốn đã quen từ trước, A Nhuận hết sức mừng rỡ khi gặp lại chúng tôi. Bữa cơm trưa đạm bạc, đầy chất lính nhưng ấm áp tình quân dân giữa miền biên cương với những câu chuyện hàn huyên rôm rả….

Thiếu tá A Nhuận cho chúng tôi biết: Đồn Biên phòng Đăk Blô trực tiếp quản lý đoạn biên giới dài 20km, tiếp giáp với khu vực cụm Đăk Ba, huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (CHDCND Lào) và một phần địa giới hành chính xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei) với 4 thôn, làng gồm 345 hộ - 1.326 nhân khẩu chủ yếu là người Jẻ - Triêng. Trong nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, không để xảy ra các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, vi phạm về quy chế biên giới, đường biên cột mốc… Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, các chiến sĩ Biên phòng còn là cầu nối thắt chặt thêm mối tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó lâu đời của nhân dân hai xã tiếp giáp của hai nước.

Hàng năm, cùng với việc tổ chức đón Tết cùng với nhân dân trong xã, Đồn Biên phòng Đăk Blô còn cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên qua lại, thăm hỏi chiến sĩ, đồng bào cụm bản Đăk Ba; cùng nhau trao đổi các thông tin về bảo vệ biên giới với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào.

Thời gian qua Bộ Chỉ huy BĐBP đã cùng với Đồn Biên phòng Đăk Blô, chủ động tham mưu cho huyện Đăk Glei cùng với chính quyền phía bạn tổ chức lễ kết nghĩa thôn - bản giữa Cụm bản Đăk Ba và xã Đăk Blô, qua đó sẽ tạo thêm điều kiện để nhân dân hai bên qua lại thăm thân, giao lưu văn hóa và trao đổi hàng hóa…

Chiến sĩ BĐBP Đồn Biên phòng Đăk Blô tuần tra bảo vệ biên giới

 

Thiếu tá A Nhuận cho biết thêm: Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, lãnh đạo, chỉ huy đồn còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã tổ chức các hoạt động giao lưu với phía bạn; tham mưu củng cố các tổ chức đoàn thể quần chúng như phụ nữ, nông dân… để họ hoạt động có hiệu quả hơn trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề an ninh biên giới. Lãnh đạo đồn cũng đã đưa 4 cán bộ đảng viên về tham gia sinh hoạt tại các thôn Bung Kon, Bung Tôn, Peng Lang, Đăk Book, riêng năm 2015 đã tham mưu kết nạp được 5 đảng viên mới tại các thôn này...

Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Đồn Biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, trong nhiều năm qua mối đoàn kết hữu nghị giữa cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai bên biên giới được tăng cường thắt chặt. Phía bạn và ta cùng phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới trên khu vực biên giới. Do đó, tình hình an ninh chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, kịp thời xử lý và giải quyết tình trạng một số hộ dân của một số làng khai thác vàng sa khoáng trái phép, riêng năm 2015, Đồn đã vận động nhân dân xã Đăk Blô giao nộp 17 khẩu súng tự chế các loại…

Ngoài việc đi lại khó khăn vì giao thông không thuận lợi, những chiến sĩ ở đây phải ngày đêm đối mặt với cái lạnh giá, mưa phùn quanh năm, với ruồi vàng, bọ chét nhiều vô kể. Song, vượt lên trên khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây luôn thấm nhuần phương châm tư tưởng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, kiên quyết bám đồn, giữ đất, góp phần vào những đổi thay về kinh tế - xã hội ở xã vùng biên Đăk Blô.

Trước kia, khi dự án đường điện chưa được đưa về Đăk Blô, đêm về cả xã chìm trong bóng tối, chỉ vài ngọn đèn dầu leo lét, Đồn Biên phòng thì sử dụng máy phát điện, nhưng chỉ đến 8 – 9h đêm là phải tắt để tiết kiệm nhiên liệu. Được sự quan tâm của tỉnh, điện đã về sáng rực cả một vùng cao, diện mạo xã cũng từ đó đổi thay. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng như nhân dân ở đây đã có thể sử dụng bình tắm nóng để chống chọi với cái lạnh giá buốt tê người…

Đổi thay ở Đăk Long

Chia tay với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô trong nắng sớm, chúng tôi lên đường tiếp tục cuộc hành trình trên những nẻo đường biên giới. Những ngọn gió phóng túng từ đại ngàn thổi về mang mùi thơm thoang thoảng của bữa cơm sáng nhà ai vừa mới thổi. Những nếp nhà sàn mới toanh mùi sơn dần lùi lại phía sau...

Trên suốt chặng đường 18 cây số từ ngã ba Đăk Môn (huyện Đăk Glei) đi vào Đồn Biên phòng Đăk Long, xe chúng tôi bon bon trên những con đường đã được trải thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Đường sá đã được Nhà nước đầu tư xây dựng; đó là nhờ sự hết lòng quan tâm của tỉnh đối với các xã vùng biên, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Địa giới hành chính đầu tiên của xã Đăk Long qua xã Đăk Môn bắt đầu từ làng Đăk Ác. “Trước kia, làng này học sinh bỏ học nhiều lắm, nhưng nhờ BĐBP vận động, học sinh đã trở lại trường đông đủ, không còn tình trạng bỏ học nữa.”- Thiếu tá A Tĩnh- Trưởng Ban Vận động quần chúng (Phòng Chính trị, BĐBP tỉnh) cho chúng tôi biết như vậy.

Xe đi qua làng Đăk Ác, rồi Vai Trang, ở đâu chúng tôi cũng được chứng kiến cuộc sống mới đang đâm chồi nảy lộc. Những vườn cây xanh ngát, những nếp nhà mới tinh, những con đường làng sạch sẽ, những tiệm tạp hóa chất đầy hàng, từ quần áo may sẵn đến hàng dân dụng quạt điện, nồi cơm điện… được bày bán nhiều không khác gì ở thị xã. Thiếu tá A Tĩnh nói tiếp: Chỉ sợ không có tiền thôi, chứ bây giờ ở đây mua các mặt hàng tiêu dùng, thứ gì cũng có…

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về sự đổi thay ở một vùng nông thôn biên giới, có lẽ cũng chính là chủ trương, định hướng đúng đắn của tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng-an ninh ở các xã biên giới, trong đó công sức không nhỏ của những chiến sĩ BĐBP…

Gần dân để giúp dân

Thượng tá Vũ Đức Hoàng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Long cùng Ban lãnh đạo, chỉ huy của Đồn tiếp chúng tôi tại hội trường làm việc. Các anh cho chúng tôi biết nhiệm vụ của Đồn quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 24,5km với 9 thôn, làng gồm 1.104 hộ - 5.066 nhân khẩu người Jẻ - Triêng và 10 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Những năm qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã không ngừng tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Đồn và cấp ủy, chính quyền xã trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh chính trị địa bàn…

Thực hiện chương trình BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới, cán bộ, chiến sĩ ở Đồn đã cùng với nhân dân làm đường giao thông nông thôn, dọn vệ sinh thôn, làng, vệ sinh trường học; tu bổ, sửa chữa nhà rông văn hóa, vận động nhân dân đóng góp kinh phí sửa chữa cổng chào các thôn… Chính vì lẽ đó mà diện mạo các thôn, làng trong xã ngày càng thêm sạch, đẹp. Và đến nay, toàn xã đã có 3 làng văn hóa, 217 hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Trong những năm qua, BĐBP đã duy trì tốt mô hình Trạm xá quân dân y kết hợp, tổ chức khám và chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người. Riêng năm 2015, Trạm xá quân dân y kết hợp đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho 6.000 lượt người với giá trị trên 180 triệu đồng. Trạm xá này cũng tổ chức nhiều đợt tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, tẩm màn chống muỗi cho nhân dân… Ngoài ra, Trạm xá quân dân y kết hợp cũng tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho hàng trăm người dân các bản tiếp giáp của nước bạn Lào.

Nhằm tìm hướng đi cho bà con thoát nghèo, lãnh đạo, chỉ huy Đồn đã mạnh dạn tổ chức thí điểm các mô hình giúp dân, sau đó nhân rộng theo cách làm “cuốn chiếu”. Năm 2015, Đồn đã chủ động đầu tư 35 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ giúp 1 hộ gia đình trồng 2ha bời lời và 1 hộ gia đình 1 con bò giống. Ngoài ra, với chương trình “địa chỉ đỏ”, các anh còn giúp 1 em học sinh nghèo (14 tuổi) vượt khó học giỏi mỗi tháng 15kg gạo từ quỹ “hũ gạo tình thương” của cán bộ, chiến sĩ để em có điều kiện yên tâm đến trường.

Thượng tá Vũ Đức Hoàng cho biết: Với mô hình giúp dân này, khi ở Đồn Biên phòng 673, chúng tôi đã làm thí điểm thành công, giờ đem vận dụng ở đây. Cứ hàng năm từ đây trở về sau, cũng từ nguồn kinh phí trích ra của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp nhiều hộ khác nữa, làm sao cho các hộ gia đình nghèo trong toàn xã đều có điều kiện vươn lên làm giàu…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đăk Long tăng gia sản xuất gây quỹ để giúp dân

 

Còn rất nhiều chuyện để kể về công sức của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ở đây như chuyện “thầy giáo mang quân hàm xanh” đã một thời cùng đem tri thức về cho các em học sinh ở những thôn, làng xa xôi. Chuyện hàng chục em học sinh bỏ học một lúc để theo cha mẹ lên rẫy tìm đót, phát rẫy… đã trở thành sự trăn trở nhức nhối trong lòng của mỗi chiến sĩ; không quản ngại ngày đêm, các anh về tận thôn, miệt mài bám trụ để giải thích, vận động gia đình, vận động các em… để rồi ngày mai, các em lại tíu tít đến trường trong nắng xuân ngập tràn trên mọi lối…

Đêm biên cương yên tĩnh đến lạ thường. Thi thoảng một vài ánh sao đêm vụt rơi giữa núi rừng biên giới, tiếng con mang tác, tiếng gà rừng gáy le te báo hiệu trời gần sáng. Người lính Biên phòng vẫn đứng đó, súng thép trong tay sững sững giữa trời đêm…

Dương Đức Nhuận

 

Chuyên mục khác