31/08/2024 08:16
|
Trộm có… tính toán
Gần 10 ngày trước, một vụ trộm sâm với số lượng lớn xảy ra tại vườn sâm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum. Đến nay chủ vườn sâm vẫn không hiểu đối tượng trộm đột nhập vào bằng cách nào để nhổ trộm 160 cây sâm. Điều đáng nói là, kẻ trộm chỉ nhổ cây sâm có củ to, đang cho ra hoa, hạt, không trộm cây sâm còn nhỏ.
Theo anh Nguyễn Thanh Hoàng- công nhân quản lý vườn sâm của Công ty, ngày 21/8, vườn sâm của Công ty gặp sự cố mất điện, đến sáng 22/8, tôi cùng A Khánh, A Minh đi sửa máy điện, phát hiện đường dây có dấu hiệu bị phá, chặt đứt. Ngay sau đó, tôi vội đi kiểm tra vườn sâm thì phát hiện hàng loạt cây sâm bị nhổ trộm. Qua thống kê, bị mất 141 cây sâm 3 năm tuổi, đang ra hoa, hạt; 17 cây sâm từ 8-10 năm tuổi; 2 cây sâm rừng tự nhiên. Sau sự việc tôi có trình báo với lực lượng chức năng.
Băn khoăn không biết vì sao mà trộm đột nhập vào được vườn sâm, anh Trần Đức Long- người của Công ty cho biết: Lúc mất sâm là trùng thời điểm mất điện nên không thể có camera để xem lại hình ảnh. Qua kiểm tra thì thấy dây điện chặt bằng dao, rựa. Người trộm phải là người biết rõ khu vực trồng sâm mới có thể đột nhập. Thời điểm mất trộm, anh em đang tập trung trồng sâm dây. Sau sự việc, chúng tôi báo Công an xã Ngọk Lây và sau đó Công an huyện có vào làm việc.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực trồng sâm được rào chắc chắn, cẩn thận nhưng không có dấu hiệu bị cạy, phá.
Được biết thời gian qua, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông xảy ra nhiều vụ trộm sâm Ngọc Linh. Cụ thể, trong tháng 2/2024 có 800 cây sâm từ 4-10 năm tuổi bị nhổ trộm ở các xã Tê Xăng, Ngọk Lây, Đăk Sao, Đăk Na. Tại xã Măng Ri từ đầu năm đến nay xảy ra 3 vụ mất trộm sâm. Ngoài ra còn có các vụ việc nhỏ lẻ, nhổ trộm vài cây, người trồng không khai báo.
Bảo vệ vườn sâm bằng… "luật làng"
Trong lúc lực lượng chức năng vẫn đang điều tra tìm thủ phạm gây ra các vụ trộm sâm Ngọc Linh thì người dân ở các làng ở huyện Tu Mơ Rông đã sử dụng hương ước, quy ước, “luật làng" để bảo vệ vườn sâm.
Cụ thể, vào tháng 6/2024, tại xã Măng Ri xảy ra một vụ mất trộm gần 100 cây sâm tại vườn sâm của người dân làng Long Láy. Theo anh A Phú- Trưởng thôn Long Láy, khi xảy ra vụ việc, người dân báo lực lượng chức năng. Cùng đó, dân làng Long Láy tổ chức họp dân truy tìm thủ phạm. Tại đây, đối tượng A Thảo đã thừa nhận hành vi trộm gần 100 gốc sâm.
"Sau đó, dân làng quyết định phạt theo “luật” của làng. Ngoài việc phải trả lại 100 cây sâm đã nhổ trộm, A Thảo bị phạt thêm 200 cây sâm khác. Sau này, A Thảo có sâm trồng, phải báo cho bà con biết; cũng không được tự trồng riêng, phải báo với làng nếu muốn trồng. Khi mua sâm giống phải báo cho làng nguồn gốc sâm mua của ai, ở đâu. Do đối tượng trộm là người trong làng nên mức phạt thấp hơn. Nếu người làng khác, mức phạt tăng hơn nhiều”- anh A Phú khẳng định.
|
Ông Nguyễn Cửu Thắng- Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho hay, sau khi áp dụng “luật làng" đối với kẻ trộm sâm, người dân đã viết đơn bãi nại cho kẻ trộm sâm.
Trước việc áp dụng “luật làng" trên, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Tùy từng vụ việc để xử lý phù hợp, có thể sử dụng “luật” của làng, đặc biệt là các hương ước, quy ước có tính răn đe cao để xử lý. Với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cần phải răn đe, cảnh báo thì giao cho cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh.
Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh, huyện đã có nhiều văn bản giao công an huyện chỉ đạo công an các xã phối hợp với chính quyền tổ chức tuần tra, kiểm soát để bảo vệ an ninh trật tự, đặc biệt là phòng, chống trộm cây sâm Ngọc Linh. Cùng đó, các xã tiếp tục đẩy mạnh rà soát, thống kê, quản lý diện tích sâm trồng của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng đó, huyện tổ chức phát động Phong trào Vì an ninh Tổ quốc tại cơ sở để tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống trộm cắp sâm Ngọc Linh- ông Võ Trung Mạnh nói.
Cao Nguyên