Nâng cao nhận thức và hành động trong phòng, chống mua bán người

29/07/2024 06:21

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp trong tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm mua bán người trong toàn quốc có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023 (phát hiện 40 vụ, tăng 7 vụ), tập trung chủ yếu ở các tỉnh có đường biên giới.

Ở tỉnh ta, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 vụ mua, bán người; từ đầu năm 2024 tới nay, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp nào.

Có được kết quả này là do sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đặc biệt là các đơn vị, địa phương chú trọng làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đẩy mạnh thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để người dân chủ động phòng tránh.

Điển hình, Công an tỉnh tập huấn kỹ năng điều tra trong các vụ án mua bán người và xâm hại trẻ em cho cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị trong Công an tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể tại địa bàn khu vực biên giới tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người.

 
BĐBP tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới để kịp thời ngăn chặn hành vi mua bán người. Ảnh: D.N

 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo ban chỉ huy quân sự cấp huyện, đặc biệt là huyện có đường biên giới tăng cường nắm tình hình địa bàn, phối hợp ngăn chặn các hành vi lợi dụng đưa người đi lao động, thăm thân nhân, du lịch, nhận con nuôi hoặc kết hôn với người nước ngoài trái pháp luật đưa người qua biên giới, cửa khẩu để lừa bán.

Các cơ quan báo chí xây dựng, duy trì chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tục cập nhật, phản ánh về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; đồng thời, định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, Internet đăng tải bài viết về phòng, chống mua bán người trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả truyền thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục thực hiện lồng ghép, tích hợp giảng dạy các kiến thức liên quan đến tội phạm mua bán người theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động ngoại khóa, tổ chức ký cam kết giữa các trường học với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về phòng, chống tội phạm ma túy và mua bán người trong “Tuần sinh hoạt công dân” vào mỗi dịp đầu năm học; tăng cường công tác quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, đưa người đi học tập ở nước ngoài nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở, trong đó chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm; chú trọng phát huy vai trò các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn và người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức truyền thông, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, thông qua các buổi hội nghị, hội thảo, sinh hoạt thôn, làng, các trang mạng xã hội, zalo truyền tải thông điệp trực quan, sinh động, dễ tiếp cận và phù hợp với các nhóm đối tượng tuyên truyền.

Các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng xác định các thủ đoạn của bọn mua bán người như gặp gỡ để tiếp xúc, làm quen hay triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo, viber, wechat... ) để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, sau đó bán ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn để nhân dân phòng tránh.

Mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc và tiềm ẩn nguy cơ, như đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng lớn đến việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại địa bàn biên giới. Nhân dân hai bên khu vực biên giới có mối quan hệ họ hàng, dòng tộc nên thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trong thời đại kỹ thuật số, các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Vì vậy, ngoài làm tốt công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm, đấu tranh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân thì việc hợp tác quốc tế cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh để cùng chung tay ngăn chặn nạn mua bán người.

Dương Nương

Chuyên mục khác