“Ma lực” game online

19/01/2015 13:06

Bên cạnh những trò chơi mang tính chất giải trí lành mạnh, những trò chơi online bạo lực đang dần ăn sâu, huỷ hoại sức khỏe, tính cách, năng lực của “những chủ nhân tương lai của đất nước”.

Game thủ học đường

11h, tạt vào quán internet gần một trường THCS ở thị trấn Sa Thầy (Sa Thầy), chúng tôi thấy bên trong quán đa số khách hàng là những em học sinh mặc đồng phục, đeo cặp, chân gác lên ghế, mắt dán vào màn hình máy tính để “chinh phục” thế giới ảo trong các trò game online. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe tiếng hả hê hò hét vì “hạ” được nhiều đối thủ, một vài em thua cuộc thì chửi thề rồi tìm cách “bắn”, “giết” đối phương.

Lân la hỏi chuyện vài em ngồi cạnh, vì bị làm phiền, một em tỏ ra cáu gắt, trả lời cụt ngủn: Tranh thủ sau giờ học thì “cắm chốt” ở đây thôi. Đang đấu với một đối thủ nặng kí, về coi như bỏ cuộc, ngưng giây phút nào là tụt hạng liền.

3h chiều, có mặt tại quán internet Q.B ở phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, chúng tôi cũng thấy nhiều em tầm 16-19 tuổi đang đấu game. Một vài em vừa phì phèo khói thuốc, lâu lâu lại đập bàn, hai tay buông bàn phím ôm chặt lấy đầu tiếc rẻ rồi lại cặm cụi vào những trận đấu.

Qua tìm hiểu, được biết, với cách thức dễ chơi cùng với âm thanh, đồ họa sống động, bắt mắt, mới lạ, hợp với tính cách của giới trẻ, các trò: liên minh huyền thoại, đột kích, audition, võ lâm truyền kì… đang rất nổi, thu hút nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên tham gia. Các game này như một “ma lực”, cuốn hút và dần dà trở thành “một phần tất yếu cuộc sống” của nhiều học sinh.

Chơi game sau giờ học vẫn không “đủ đô”, nhiều học sinh tìm đủ mọi cách cúp tiết, bỏ học để có thời gian hòa vào những trận đánh nhau với các game thủ trong màn hình máy tính. Em L.M.H học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết: Có hôm đi học buổi sáng về em vào chơi game luôn. Nhiều lần chơi mải mê, ngẩng đầu lên thì quá giờ học phụ đạo trên trường nên em nghỉ học.

Khi đi ngang qua một ngôi nhà bỏ trống ở gần Trường THCS Phan Bội Châu cũng ở địa bàn xã Ia Chim, chúng tôi bắt gặp một nhóm học sinh đang tụ tập tại đây. Hỏi ra mới biết, các em rủ nhau cúp tiết để đi chơi game.

Tâm sự với chúng tôi, một giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu chia sẻ: Bên hông, phía sau trường chưa có hàng rào nên học sinh hay bỏ ra ngoài, cứ sau giờ vào lớp hoặc gần đến giờ ra chơi cô cứ đi vòng ra phía lô cao su ở sau trường thể nào cũng bắt gặp vài học sinh cúp tiết, tụ tập đi chơi game. Đi vận động các em từ quán game trở về lớp học giống như công việc bán thời gian của tôi vậy.

Không chỉ cúp tiết, nhiều học sinh còn chấp nhận bỏ thi để chơi game. Như em A. K - một học sinh lớp 12 của Trường THPT Phan Bội Châu, xã Ia Chim chấp nhận bỏ thi học kì I để “lao đầu” vào những trận chiến hư ảo. Thầy Trần Ngọc Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu trăn trở: Trong trường vẫn xảy ra tình trạng học sinh cúp tiết học phụ đạo buổi chiều để đi chơi game. Thậm chí, trong đợt thi học kì I vừa rồi, 3 học sinh còn bỏ thi để chơi game, các thầy cô giáo phải xuống tận nơi, vận động các em về thi.

 

Nhiều hệ lụy

Sa đà quá mức vào thế giới ảo, nhiều học sinh trở nên lơ là việc học và hệ quả là lực học ngày càng yếu dần. Như N.T.H học sinh lớp 8, Trường THCS Phan Bội Châu, từ một học sinh giỏi của lớp, sau một thời gian đấu game, lực học của H sút dần. Thấy vậy, mẹ của H đã nhờ tôi kèm thêm để có thể đứng vững trong lớp chọn của trường. Trước một loạt kiến thức bị hổng nhưng khi tôi càng cố gắng truyền đạt thì H cứ lơ đãng, lâu lâu lại ngáp ngủ thể hiện sự uể oải, mệt mỏi. Giờ học nào H cũng xin tôi cho nghỉ sớm, lẻn mẹ chạy sang quán game “làm vài cước” rồi mới về nhà.

Không chỉ riêng H, đây là thực trạng chung của hầu hết các game thủ học sinh. Thầy Lâm cho biết: Đa số các học sinh “dính” vào game lực học giảm sút rất nhiều. Các em cúp tiết, không soạn bài, học bài trước khi đến lớp, không nắm kịp bài nên hổng kiến thức. Nhiều em còn lầm lì, ít nói, rất thụ động trong việc học.

Ngồi chơi game, người chơi thường nhập vai thành những người hùng, chiến binh, thủ lĩnh của một binh đoàn hoặc là đối thủ của những đội quân thiện chiến nên từ lúc bắt đầu vào cuộc chơi cho đến khi kết thúc trận đấu, game thủ phải dán mắt vào màn hình, đầu óc, trí não tập trung cao độ để tìm ra “chiến thuật” đánh bại đối thủ. Nhiều em, vì quá mải mê chơi hàng giờ đồng hồ, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống nên rơi vào tình trạng kiệt sức. “Có lần lên vận động học sinh về lớp, vừa nói với tôi được đúng một câu “thầy ơi em đói quá” là học sinh xỉu ngay tại chỗ. Chơi 3 ngày, 4 đêm liên tiếp, không nghỉ ngơi sức khỏe đâu mà chịu cho nỗi” – một giáo viên cho biết thêm.

Game online cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách, nhân cách của học sinh. Được biết, do bị ám ảnh bởi nhiều hình ảnh bạo lực trong game nên sau mỗi cuộc chơi, người nghiện game online dễ bị hụt hẫng, cảm xúc dễ bị hỗn loạn, trở nên liều lĩnh, sẵn sàng đâm chém chỉ vì những mâu thuẫn, xích mích nhỏ nhặt.

Đến bây giờ, người dân tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum vẫn chưa quên vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại quán internet Sân Phơi vào giữa năm 2014. Chỉ vì bị bạn dọa đánh trong lúc đang chơi game mà L.H.A.T (14 tuổi) đã đâm chết bạn ngay tại quán game. Rồi hàng loạt các vụ đánh nhau, xích mích hầu như đều xuất phát từ nguyên nhân: game online.

Để các game thủ “dốc toàn tâm” vào… việc chơi, hiện nay, một số quán internet còn phục vụ thức ăn, nước uống, thẻ game, thuốc hút tận bàn. Ngoài ra để níu chân “thượng đế”, một số quán thực hiện các chiêu thức khuyến mãi: giảm còn 2.000 đồng/tiếng vào thứ 7, chủ nhật; 2.500 đồng/tiếng cho các hội viên, nếu chơi hơn 2 tiếng sẽ được khuyến mãi 1.000 đồng… Thậm chí, để hút khách, các cửa hàng còn thực hiện chính sách “cho nợ”.

Chủ cửa hàng internet T.V ở thôn Tân An, xã Ia Chim cho biết: Nay quán game mọc lên như nấm, mình phải cho nợ mới giữ được khách. 1 tiếng chỉ có 2.500-3.000 đồng nhưng bây giờ trong quán có đứa nợ đến cả triệu bạc.

Chính vì sức hút của game online cộng thêm sự “phục vụ” tận tình của các cửa hàng, nhiều học sinh càng sa đà vào game. Và đến lúc, số tiền ăn sáng bố mẹ cho không đủ để chơi, các game thủ tìm mọi cách để có thể hòa mình vào các “trận chiến”. Vì không có tiền chơi, N.V.T (14 tuổi) ở thôn Nghĩa An, xã Ia Chim đã ăn trộm hơn 10 triệu đồng của một quán tạp hóa gần nhà để chơi game. Hay A.V ở làng Plei Zơ DRập, xã Đăk Năng ăn trộm mủ, ăn trộm gà để thỏa mãn nhu cầu “giải trí” của mình.

 

Cần sự chung tay của gia đình - nhà trường - xã hội

Trước thực trạng game online ảnh hưởng trực tiếp đến việc học, sức khỏe, tính cách của các học sinh nên các trường đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm thiểu, ngăn chặn không cho game xâm nhập vào trường học.

Tại Trường THPT Lê Lợi, ngoài việc đóng cổng không cho học sinh ra khỏi trường trong giờ học, buổi học, nhà trường còn phân công các thầy cô giáo trong ban nề nếp kiểm tra sát sao sỉ số của từng lớp. Theo đó, em nào vắng phải có giấy xin phép và có chữ kí của cha mẹ. Nếu em nào vắng quá 2 ngày, ban nề nếp sẽ liên hệ với phụ huynh để nắm rõ nguyên nhân.

Ngoài việc tuyên truyền trong các sáng thứ 2 đầu tuần, vừa qua, nhà trường còn phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là game online để học sinh nhận thức rõ hơn. Đồng thời khuyến khích học sinh tham gia vào các cuộc thi nhảy dân vũ, IOE, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao để các em giải trí, tránh sa vào game.

Còn tại Trường THPT Phan Bội Châu, nhà trường cũng đã tăng cường hoạt động kiểm tra nề nếp. Nhà trường cũng như các thầy cô trong ban nề nếp thường xuyên quan tâm, chú ý nhiều hơn đến các em hay chơi game và có biểu hiện thích chơi game để ngăn chặn kịp thời, vận động các em cố gắng vươn lên học tập. Đồng thời nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông báo tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh và nhắc nhở phụ huynh quản lí kĩ hơn về quỹ thời gian của các em, để tránh tình trạng nói dối đi chơi.

Chính quyền các xã như Ia Chim, Đăk Năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các quán game để hạn chế những vi phạm. Đặc biệt, trước khi hoạt động, các quán phải đến xã làm tờ cam kết không hoạt động quá giờ, không cho học sinh vào quán chơi trong các giờ hành chính…

“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cán bộ văn hóa thông tin, xã đội kiểm tra tình hình hoạt động của các quán game. Đồng thời cũng phối hợp với nhà trường tuyên truyền, vận động các em học sinh chú tâm hơn vào việc học” – ông A Thoai - Phó trưởng Công an xã Đăk Năng cho biết.

Để hạn chế được những hệ lụy do game online gây ra cho “thế giới ngày mai”, thiết nghĩ rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và xử lý những cơ sở vi phạm về quản lý internet, nhằm ngăn chặn từ gốc mối nguy hại từ game online.

Hoài Tiến

  • “Để các đại lí internet hoạt động đảm bảo yêu cầu về thời gian, diện tích, điện chiếu sáng cũng như các thiết bị khác, trong năm 2015, Phòng Bưu chính viễn thông sẽ phối hợp với Phòng Thanh tra (Sở TT-TT) tăng cường kiểm tra về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Chậm nhất đến ngày 10/2, tất cả các đại lí phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ các trò chơi điện tử”- ông Trịnh Phi Cường - chuyên viên Phòng Bưu chính viễn thông, Sở TT-TT cho biết. PN

 

Chuyên mục khác