29/01/2024 11:36
Trên địa bàn thành phố Kon Tum, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, dịch vụ đổi tiền lẻ, đổi tiền mới phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán bùng nổ trên các mạng xã hội và được quảng cáo công khai trên các website. Trong khi chế tài xử phạt theo quy định là rất rõ, nhưng không hiểu sao tình trạng này cứ liên tục tái diễn từ năm nay qua năm khác.
Chị Trần Thị Th. (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) phản ánh: Tôi làm nghề mua bán trái cây, dịp Tết năm ngoái thấy trên mạng xã hội Facebook có quảng cáo đổi tiền mới nên tôi đổi để lì xì con cháu và mừng tuổi ông bà. Hôm đó, tôi đổi 8 triệu đồng tiền mới gồm: 1 triệu mệnh giá tờ 10 ngàn đồng, 2 triệu tờ 20 ngàn đồng và 5 triệu tờ 50 ngàn đồng, tôi phải tốn 500 ngàn đồng phí. Năm nay, tôi đổi 4 triệu đồng loại mệnh giá 20 ngàn đồng phải mất 200 ngàn đồng.
|
|
Lướt trang mạng xã hội Facebook, tôi dễ dàng bắt gặp không ít tài khoản cá nhân trên địa bàn thành phố Kon Tum đăng quảng cáo rao đổi tiền mới công khai với mức phí từ 6% - 15% tùy theo mệnh giá. Mệnh giá tiền càng thấp thì mức phí càng cao. Khi chúng tôi hỏi một chủ tài khoản Facebook đăng quảng cáo đổi tiền mới trên trang cá nhân của mình “hét” phí dịch vụ khá cao, người này cho biết: Năm nay tiền mới khan hiếm hơn mọi năm. Nhờ chỗ thân quen, “làm ăn” lâu năm mới đổi được 250 triệu tiền mới đầy đủ các mệnh giá từ 10 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Do khan hiếm nên năm nay phí tôi đổi cũng cao hơn mọi năm, vì vậy, khi tôi đổi lại cho các người khác cũng phải buộc cao hơn đôi chút. Tuy nhiên, so với mặt bằng phí đổi tiền ngoài thị trường hiện nay, phí đổi tiền chỗ tôi thấp hơn từ 1% - 2%.
Khi chúng tôi vào các trang cá nhân của những người đăng quảng cáo đổi tiền lẻ, tiền mới, nhiều hình ảnh về những lốc tiền lẻ, tiền mới các mệnh giá được đăng tải công khai, thậm chí kèm theo cả hình ảnh của mình, hoặc quay những clip video như một cách “minh chứng” dịch vụ hoạt động một cách uy tín, có lượng tiền dồi dào sẵn sàng cung cấp cho những ai có nhu cầu.
Điều đáng nói là những cá nhân đăng quảng cáo làm dịch vụ đổi tiền mới này đều là những người lao động, mua bán tự do nhưng không biết lấy tiền mới từ đâu với số lượng lớn như vậy.
Chị Thu Tr. một nhân viên của chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Kon Tum cho biết: Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán là tiền mới khan hiếm nên đa số các ngân hàng ưu tiên cho những khách hàng tham gia gửi tiết kiệm với số lượng tiền gửi nhiều, riêng khách hàng vãng lai thì khó có cơ hội được đổi tiền mới. Trong khi chúng tôi là cán bộ, nhân viên ngành nhân hàng nhưng muốn đổi tiền mới cũng rất hạn chế vì số lượng tiền mới được phân bổ về không nhiều.
Chị Đỗ Thị Hải Yến ở phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) cho biết: Do tính chất công việc làm ăn nên bản thân tôi hàng tháng đi giao dịch với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố Kon Tum rất nhiều. Thế nhưng cuối năm muốn ra ngân hàng đổi một ít tiền mới để khỏi tốn phí, an toàn và không lo ngại tiền giả thì ngân hàng luôn báo không có. Trong khi các cá nhân bên ngoài thì trao đổi nhộn nhịp trên mạng xã hội. Chính vì thế, để có tiền mới mừng tuổi đầu năm, chúng tôi không thể đi theo “đường chính ngạch” là đến ngân hàng mà phải ra bên ngoài đổi, tốn phí khá cao.
Để ngăn chặn tình trạng ngân hàng khan hiếm tiền mới, trong khi trên mạng xã hội lại nhộn nhịp, công khai rao đổi tiền mới tràn lan thì cần có sự vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm từ phía cơ quan chức năng.
Thanh Trang