04/09/2024 13:08
Nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn chủ yếu là ma túy đá, ma túy tổng hợp dạng viên. Hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy tập trung tại các xã biên giới là Pờ Y, Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi), Đăk Long (huyện Đăk Glei) và la Đal, la Tơi (huyện la H’Drai).
Nguyên nhân đầu tiên được nhận định là do đường biên giới dài, 13 xã biên giới (thuộc 4 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai) thì dân cư thưa thớt, trình độ phát triển kinh tế còn thấp; kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn… là điều kiện thuận lợi để tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng lợi dụng hoạt động.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lợi nhuận rất lớn từ việc mua bán, vận chuyển ma túy nên các đối tượng bất chấp pháp luật, liều lĩnh, manh động, tổ chức móc nối, lôi kéo hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thêm nữa, tại khu vực biên giới của tỉnh, lợi dụng trình độ nhận thức của một số người dân còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn, các dân tộc tại chỗ sinh sống lâu đời dọc biên giới có mối quan hệ thân tộc với người dân Lào, Campuchia sinh sống ở các bản, làng sát biên giới phía ngoại biên, thông thạo địa hình rừng núi ở khu vực biên giới để dụ dỗ, mua chuộc vận chuyển thuê ma túy cho các đối tượng cầm đầu.
|
Qua điều tra, khám phá các vụ án, chuyên án về ma túy của lực lượng chức năng cho thấy, các đối tượng ma túy có sự cấu kết đan xen với các loại tội phạm hình sự để hoạt động phạm tội.
Phương thức hoạt động vừa tận dụng yếu tố mang tính truyền thống, vừa lợi dụng yếu tố phi truyền thống, vừa manh động nguy hiểm, vừa tinh vi phức tạp; lợi dụng địa hình phức tạp, hiểm trở, đặc thù trong quan hệ dân tộc, dòng họ, cấu kết hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn, liên tỉnh với tính chất nguy hiểm như tự trang bị vũ khí để sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Các đối tượng được phân công thực hiện ở mỗi giai đoạn đều độc lập, không biết trước về nhau và qua nhiều đối tượng trung gian, có sự điều hành chặt chẽ, bắt đầu từ khi hình thành đến các khâu vận chuyển, tàng trữ, phân phối, tiêu thụ.
Quá trình giao dịch, các đối tượng thường xuyên sử dụng ứng dụng mạng xã hội để liên lạc và lợi dụng các hình thức khác nhau để che giấu vận chuyển trái phép chất ma túy, như dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe khách liên tỉnh, xe khách tuyến đường dài, thuê người vận chuyển ma túy bằng xe ô tô cá nhân hoặc xe khách.
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và Công an tỉnh là hai lực lượng chủ chốt trong phòng, chống và đấu tranh với tội phạm ma túy ngoại biên và nội biên. Do đó, Đảng ủy hai đơn vị đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chuyên trách triển khai các biện pháp nghiệp vụ tổ chức phòng ngừa và đấu tranh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Đồng thời, thường xuyên mở các đợt ra quân, tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, nhất là trong các dịp Lễ, Tết và “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6”; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện các kế hoạch triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
|
Trong 5 năm qua (2019 - 2024), lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 515 vụ/969 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý.
Trong đó, Công an các cấp phát hiện, bắt giữ 493 vụ/937 đối tượng; thu giữ 32.634,8457g methamphetamine; 12.735,2188g heroin; 3.054,1901g ketamin; 2.990,096g MDMA; 3.249,208g cần sa tươi; BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 22 vụ/32 đối tượng; thu giữ 37 bánh heroin; 322,51g heroin; 16,393kg ma túy tổng hợp dạng đá; 2.172,985g ketamine; 49 viên ma túy tổng hợp.
Trong 515 vụ, có 10 vụ điển hình với số lượng ma túy bắt giữ lớn từ 696,19g đến 11.880,38g. Đơn cử như vào lúc 20 giờ 15, ngày 23/12/2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng (trú tại thành phố Kon Tum) vận chuyển trái phép 2 kg ma túy đá và mang theo 1 khẩu súng và 5 viên đạn.
Hay vụ vận chuyển ma túy lớn nhất từ trước tới nay tại địa bàn tỉnh được phát hiện vào lúc 22 giờ, ngày 25/6/2023. Vào thời điểm này, tại đường tuần tra biên giới Việt Nam-Lào (thôn Iệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phối hợp Đoàn đặc nhiệm miền Trung (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm), Bộ Tư lệnh BĐBP, Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm và Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Pờ Y (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Vương Văn Đức (sinh năm 1983) và Lã Thị Tuyết (sinh năm 1975) cùng trú tại xóm Na Hoàn, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khi đang vận chuyển 34 bánh heroin với tổng trọng lượng 11.880,38g.
Tin tưởng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy theo Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị tiếp tục được tăng cường, nâng cao hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Dương Nương