22/02/2016 12:44
Chị Tú lập gia đình năm 1993, sau đó sinh được 2 đứa con trai. Khi đứa con thứ 2 vừa mới ra đời được vài tháng thì chồng chị bỏ mẹ con chị đi biền biệt. Vượt qua khó khăn của hoàn cảnh, đặc biệt là sự động viên tinh thần của bà con hàng xóm, chị chăm chỉ làm lụng, nuôi heo để có tiền nuôi các con. Cho đến một ngày, chị Tú phát hiện 2 chân mình teo dần, đau nhức toàn thân nhưng vì không có tiền điều trị bệnh nên chị cũng cố gắng gượng qua ngày. Không thể làm việc nặng, chị chuyển sang mở quán bán hàng tạp hóa nhỏ tại nhà.
|
Con trai đầu của chị là Trần Văn Quyết (SN 1994) từ nhỏ đã học rất giỏi. Thế nhưng, vì nhà quá nghèo nên chị Tú đành bấm bụng khuyên con xác định: “Học đến lớp 5 rồi nghỉ học để nhường phần cho em đến trường”. Nhưng cái nghèo không làm cậu bé Quyết nhụt chí; càng khó khăn, Quyết càng cố gắng. Ở trường, thấy hoàn cảnh đáng thương của Quyết, thầy cô giáo đã động viên về tinh thần, hỗ trợ về vật chất cho em. Đến một ngày, Quyết có giấy báo đậu vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên (TP.Hồ Chí Minh), chị Tú sững sờ, nửa mừng nửa lo vì không biết lấy đâu ra tiền cho con đi học. Vào đại học, Quyết vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống; lâu lâu chị Tú vay mượn hoặc tích góp được chút ít tiền gửi thêm cho con. Đến nay, Quyết đã là sinh viên năm 3 Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
Con trai thứ 2 của chị Tú là Trần Quyết Tiến (SN 1999), hiện đang học lớp 11 Trường THPT Kon Tum. Vượt lên trên hoàn cảnh, Tiến là cậu học sinh khá, giỏi của nhà trường nên luôn được thầy cô, bạn bè quý mến. Ngoài việc học ở trường, từ nhỏ Tiến còn phụ mẹ chăn nuôi heo, buôn bán hàng tạp hóa và những việc trong gia đình bởi mẹ em hay đau ốm.
Số phận càng nghiệt ngã hơn, cách đây mấy năm, chị Tú còn phát hiện trong tai mình có khối u khiến chị thường xuyên xây xẩm mặt mày, có lúc ngất xỉu. Chị Tú được bà con hàng xóm quyên góp cho 6 triệu đồng, rồi chạy vạy vay thêm một ít nữa để vào TP Hồ Chí Minh khám và trị bệnh. Ca mổ khối u trong tai chị Tú tuy thành công nhưng bác sĩ dặn chị phải tái khám thường xuyên để lấy thuốc thang điều trị dứt điểm bệnh. Thế nhưng, vì hoàn cảnh không cho phép nên từ khi đi mổ đến nay chị cũng không thuốc thang gì thêm nên bệnh tình đến giờ cũng chưa dứt hẳn...
Mang căn bệnh giống mẹ, mới đây, Tiến cũng thấy lưng mình đau nhức, đôi chân có lúc tê cứng không đi lại được. Thương con, chị Tú đã đi vay mượn 5 triệu đồng để cho Tiến vào TP Hồ Chí Minh khám bệnh. Tại đây, Tiến được bác sĩ chẩn đoán là vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm phải nhập viện mổ, nếu kéo dài thêm toàn thân của em sẽ dần bị liệt. Thấy hoàn cảnh gia đình không cho phép, Tiến xin bác sĩ đơn thuốc giảm đau rồi về nhà. Hiện tại, em được giới thiệu điều trị vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Kon Tum nhưng cũng không khả quan lắm vì bệnh tình em quá nặng.
Thương mẹ, thương em, Quyết cũng đã tạm thời xin nghỉ học – mặc dù thời gian đó đang bước vào kỳ thi học kỳ - để về nhà, hàng ngày đưa đón em đi học và điều trị bệnh.
Gương mặt chị Tú hằn sâu nỗi buồn: Hàng ngày, tôi chỉ biết bấu víu vào cửa hàng tạp hóa nhỏ với thu nhập vài chục ngàn đồng, cao nhất cũng chỉ 100.000 đồng/ngày để tích góp tiền cho 2 đứa con ăn học. Từ ngày thằng con lớn vào đại học, rồi mấy đợt tôi và Tiến vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh, tôi đã phải vay mượn ngân hàng gần 50 triệu đồng. Có lúc chật vật quá, tôi muốn “động viên” con nghỉ học nhưng ngoặt nỗi nhà càng nghèo, chúng lại càng có ý chí vươn lên... Mỗi khi nhìn thấy con buồn, con đau, ruột tôi như ai xé...
Tú Quyên
Ảnh: 3 mẹ con chị Tú trước tiệm tạp hóa của gia đình