06/09/2023 13:03
Chúng tôi tìm đến nhà chị Y Bleng (thôn Măng La) - một căn nhà nhỏ xập xệ nằm cuối đường vào một buổi chiều muộn. Đón tiếp chúng tôi là một người phụ nữ với gương mặt hiền hậu cùng với những bước đi chậm rãi đang bồng đứa con bị não úng thủy.
Theo lời kể của chị Y Bleng, năm 2010, chị và anh A Manh nên duyên vợ chồng. Tưởng chừng hai người sẽ hạnh phúc, cố gắng làm ăn nhưng 3 năm sau, anh A Manh lại bị suy thận nặng. Thời điểm đó, anh A Manh đang đi bốc vác thuê thì thấy mình mệt mỏi, cơ thể cứ dần sưng phù lên. Nằm ở nhà vài ngày, anh được gia đình khuyên đến bệnh viện khám bệnh và bác sĩ kết luận anh bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu để giữ lại mạng sống. Từ đó, mỗi tuần anh phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần, không có thời gian và sức khỏe để phụ giúp gia đình. Chuyện mưu sinh lại để một mình chị Y Bleng gánh vác.
|
“Từ khi chồng bệnh, để lo cuộc sống cho gia đình, tôi phải bươn chải khổ cực. Vào những ngày xong việc đồng ruộng của gia đình, tôi lại phải đi cấy thuê, có ngày không ai thuê gì tôi phải đi nhặt ve chai để kiếm tiền nuôi gia đình" - chị Y Bleng chia sẻ.
Những ước mong rất đỗi đời thường như vợ chồng cùng nhau chăm chỉ làm việc, cùng nuôi những đứa con lớn lên khỏe mạnh nhưng lại là điều xa xỉ với gia đình chị Y Bleng khi tin dữ liên tiếp ập đến. Năm 2020, chị Y Bleng sinh đứa con thứ 3 tên là Y Giang bị não úng thủy.
“Khi con sinh ra, mình được bác sĩ thông báo là cháu bị não úng thuỷ. Lúc đó, mình buồn, khóc nhiều lắm vì thương con. Thế nhưng, không có tiền nên gia đình đưa cháu về nhà, mình gạt nỗi buồn để tiếp tục đi làm lo cho chồng và 3 người con”- chị Y Bleng bộc bạch.
Và cứ thế, mỗi năm đưa con đi khám 1-2 lần, nhưng cuộc sống quá khó khăn nên đã quá lâu chị Y Bleng mới chắt chiu đủ tiền đưa con đi chữa trị. Chị nhớ lại, lần đầu tiên đưa con xuống Bệnh viện Nhi đồng II (Thành phố Hồ Chí Minh) chị gom góp mãi mới được khoảng 2 triệu đồng trong túi.
Thế nhưng, chi phí đi lại cao, lo không đủ tiền thuốc cho con nên nhiều hôm chị phải nhịn đói. Thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con, người nhà những bệnh nhân khác đã chia cho chị cái bánh, gói mì. Những lần sau đó, chị đi xin cơm từ thiện để tiết kiệm, dành dụm tiền cứu con.
|
Chị Y Bleng cho biết, 5 năm trước, gia đình có vay 40 triệu đồng của ngân hàng chính sách xã hội để trồng cao su. Thế nhưng, do gặp thời tiết khắc nghiệt, gia súc phá hoại, cao su chết gần hết. Chẳng còn kế sinh nhai, hiện tại chồng chị nhận chăn bò thuê cho người trong làng và được trả công bằng bò con. Còn chị đi làm thuê, làm mướn đủ việc, góp nhặt từng đồng để có tiền chữa bệnh cho chồng con. Tuy đã cố gắng làm thuê, nhưng gia đình chị thường xuyên thiếu gạo, thiếu ăn.
“Những hôm mưa, hay đau ốm không thể đi làm được tôi đành ra mua nợ thức ăn, vay tiền lo cho các con đi học. Đến nay, khoản nợ của gia đình đã lên đến 70 triệu đồng”- chị Y Bleng mắt đượm buồn nói.
Ông Phan Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay cho biết, hộ gia đình anh A Manh và chị Y Bleng thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Hiện nay A Manh bị suy thận, người con út bị não úng thủy nên gia đình rất khó khăn. Thấu hiểu sự vất vả, bất hạnh của gia đình nên thời gian qua địa phương cũng thường xuyên quan tâm và kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp giúp đỡ để gia đình vơi bớt khó khăn, tuy nhiên cũng chỉ giải quyết được tạm thời. Thời gian tới, rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để gia đình chị Y Bleng vượt qua khó khăn và các cháu tiếp tục được đến trường.
Nay Săt