28/05/2018 07:09
Chúng tôi tìm đến căn nhà của anh A Thúi và chị Y Thả nằm ở cuối làng Plei Kleck. Vừa mời khách vào nhà, vợ chồng anh chị Y Thả vừa kể cho tôi nghe hoàn cảnh của gia đình chị trong nỗi xót xa…
Anh A Thúi cho biết, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng anh phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2011, vợ chồng A Thúi và Y Thả mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản phát triển chăn nuôi.
|
Cùng năm này, chị Y Thả sinh được đứa con trai đầu lòng tên A Thiệp. Niềm vui đến chưa bao lâu thì vợ chồng trẻ này lại gánh lấy nỗi buồn khi con trai phát bệnh bất thường với những triệu chứng sốt, co giật liên tục đến tím tái người. Trung bình 2 tuần A Thiệp lại lên cơn sốt và co giật một lần, mỗi lần kéo dài từ 2-3 ngày.
Xót con, vợ chồng anh A Thúi và chị Y Thả chạy vạy vay mượn bà con họ hàng và cả “vay nóng” bên ngoài để chữa trị cho con. Sau nhiều lần đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum rồi Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), A Thiệp đã được các bác sĩ chẩn đoán bị u não ác tính và tan máu bẩm sinh cần phải nhập viện điều trị dài ngày.
Chị Y Thả nước mắt giọt ngắn, giọt dài kể lại: Thời điểm đó, vợ chồng mới cưới nhau chẳng có gì thế chấp để vay mượn nên nhờ ông bà nội ngoại đứng ra “vay nóng” bên ngoài 30 triệu đồng, giúp chúng tôi có tiền đưa con đi chữa bệnh. Mặc dù đã có bảo hiểm y tế nhưng tính cả chi phí ăn uống, xe cộ đi lại và thuốc thang thêm thì số tiền vay mượn trên cũng chỉ đủ lo liệu được một thời gian ngắn ban đầu. Không còn khả năng để vay mượn thêm nữa nên vợ chồng tôi đành đưa con trở về nhà.
Gần 5 năm nay, do không được điều trị thuốc thang nên bệnh tình của A Thiệp càng nặng hơn. Cứ 2 tuần, A Thiệp lại lên cơn đau đầu dữ dội, em kêu gào rồi mê man đến mấy ngày liền. Chứng kiến con lên cơn đau, vợ chồng anh A Thúi và chị Y Thả chỉ biết ôm chặt con vào lòng mà khóc.
Dù bệnh tình ngày càng trở nặng nhưng A Thiệp vẫn rất thích được đến trường. Năm 2017, A Thiệp đến tuổi vào lớp 1, em được bố mẹ đưa đến điểm Trường Tiểu học Đặng Trần Côn gần nhà để nhờ thầy cô trong trường giúp đỡ, tạo điều kiện để cho em được học tập.
A Thiệp viết chữ rất đẹp nhưng việc tính toán của em thì hơi chậm, do trí nhớ không được tốt. Điều đáng quý ở cậu bé A Thiệp là nghị lực vươn lên, không vì thua sút bạn bè mà em nản lòng, nghỉ học. Về nhà, em thường nhờ mẹ chỉ dạy lại cho em về những bài học em chưa hiểu hay không nhớ.
Chị Y Thả ngậm ngùi: Cách đây 5 năm, lần dẫn cháu đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ tại đây cho biết, nếu bệnh của cháu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến thiếu máu trầm trọng, vàng da, gan lách to, đặc biệt là rất dễ dẫn đến chậm phát triển về thể chất, vận động và tâm thần… Hơn 1 năm nay, bệnh tình của cháu có phần nặng hơn. Có những hôm trời nắng nóng, không làm chủ được mình, cháu thường đánh và cắn bạn ở trường, may mà có thầy cô giáo giúp đỡ, can thiệp kịp thời.
Dù phải nghỉ học thường xuyên vì bệnh tật nhưng khi thấy khỏe trong người thì A Thiệp cũng lại tiếp tục đến lớp học. “Những hôm đi học, thường 6h sáng cháu đã thức dậy để chuẩn bị đến lớp. Có hôm biết bố mẹ bận đi làm thuê ở làng xa, cháu đều tự mình vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cặp vở cuốc bộ đến trường…” - chị Y Thả kể.
Anh A Thúi cho biết, vợ chồng tôi cũng cố gắng làm lụng lắm, ước làm sao có tiền để chữa bệnh cho con. Thế nhưng “lực bất tòng tâm”, dù đã nỗ lực rất nhiều, nhưng trong 5 năm qua, vợ chồng tôi cũng chỉ mới trả được khoản nợ 30 triệu đồng trước đây đã “vay nóng” bên ngoài để chạy chữa bệnh cho con thời gian đầu; hiện vẫn còn nợ Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng (từ tiền vay mua bò chăn nuôi), số tiền này sắp đến kỳ hạn nhưng chưa biết phải xoay xở thế nào.
Nhìn hình ảnh cậu bé nước da xanh xao, gương mặt mệt mỏi vì bệnh tật hoành hành trong thời gian dài, đang ê a đánh vần theo mẹ, chúng tôi vô cùng thương cảm. Mong sao, sẽ có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho hoàn cảnh của vợ chồng anh A Thúi và chị Y Thả để họ có tiền lo thuốc thang, điều trị bệnh cho bé A Thiệp.
Bài, ảnh: Tú Quyên - Đức Thành