Niềm tin với hàng Việt

26/10/2022 06:05

Sự thành công của hàng Việt, chưa bao giờ là chuyện riêng của một gia đình, một cộng đồng hay một địa phương. Đó là câu chuyện tầm quốc gia về lòng tự hào dân tộc.

Người trao đổi với tôi hôm nay về hàng Việt là một phụ nữ nhỏ nhắn. Từng kinh doanh trái cây nhập khẩu nhiều năm, nay cô là giám đốc một hợp tác xã kinh doanh thương mại có “chỗ đứng” nhất định trên thị trường.

Khác với những người đã trao đổi trước đó, họ chủ yếu nói về định hướng phát triển và những khó khăn, vướng mắc đã trải qua, đang gặp phải, còn cô nói về việc làm thế nào để hàng Việt nói chung, sản phẩm nông sản của tỉnh nói riêng, chinh phục được người tiêu dùng.

“Tháng Mười hằng năm là Tháng cao điểm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại hành trình đưa hàng Việt đến với người Việt.  Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, hàng Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường. Tất nhiên, chỉ niềm tin thôi thì chưa đủ, mà cần chúng ta hành động”- cô nói.

Tôi đồng ý rằng, sự thành công của hàng Việt, chưa bao giờ là chuyện riêng của một gia đình, một cộng đồng hay một địa phương.

Đẩy mạnh phát triển mạng lưới cửa hàng bán hàng Việt, nhất là các mặt hàng OCOP của tỉnh. Ảnh: HL

 

Đó là câu chuyện tầm quốc gia về lòng tự hào dân tộc, về niềm tin “hàng Việt Nam cho người Việt Nam” mà chúng ta đã xây dựng suốt nhiều thập kỷ qua, và đặc biệt là từ tháng 7/2009 đến nay, khi Bộ Chính trị ra Thông báo số 264-TB/TW về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Được triển khai rộng khắp, được người dân ủng hộ, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thực sự tạo dựng những mối kết nối chặt chẽ từ sản xuất cho đến tiêu dùng, từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương đến doanh nghiệp.

Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân tập trung phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước.

Ý thức của doanh nghiệp đã chuyển mạnh từ quảng cáo “đánh bóng tên tuổi” sang việc chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm; ứng dụng khoa học - công nghệ để giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi để chinh phục người tiêu dùng.

Đồng thời tích cực xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh với hàng lậu, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, không cần phải quan sát kỹ, bạn cũng có thể nhận ra hàng Việt đã và đang chiếm ưu thế, từ siêu thị, trung tâm thương mại đến cửa hàng tiện lợi, chợ, cửa hàng tạp hóa; từ thành thị đến nông thôn.

Theo thống kê từ ngành chức năng, hiện nay, ở tỉnh ta, hàng Việt Nam chiếm khoảng 85% thị phần trên các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,  thương mại điện tử...) và khoảng 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng, tạp hóa...).

Và tất nhiên, chính người tiêu dùng cũng hưởng lợi khi hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm lĩnh thị trường.

Hàng Việt Nam chiếm khoảng 85% thị phần trên các kênh phân phối hiện đại. Ảnh: HL

 

Ví như, thay vì phải bỏ ra số tiền lớn mới có thể sở hữu một bộ đồ nhà bếp nhập ngoại, thì với số tiền thấp hơn, chị em nội trợ vẫn mua được mặt hàng tương tự, với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, chế độ hậu mãi cũng chẳng kém.

Đây thật sự là kết quả rất đáng mừng, sau rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân.

Kết quả ấy càng củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Nhiều năm trước, đây từng là rào cản lớn nhất khiến hàng Việt chật vật tìm chỗ đứng ngay trên sân nhà.

Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại thị trường tỉnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng, tạp hóa...).

Tất nhiên, sẽ có khá nhiều việc phải làm, như xây dựng thương hiệu hàng Việt; nâng cao hơn nữa tỷ trọng hàng Việt trong trung tâm thương mại, chợ truyền thống; đấu tranh ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng; khắc phục sự yếu thế của hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho hàng Việt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Trên thực tế, có hai vấn đề cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Thứ nhất, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Theo đó, cần đẩy mạnh truyền thông để hình thành ý thức ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và tự hào khi sử dụng hàng Việt Nam trong mỗi người tiêu dùng.

Thứ hai, sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đưa hàng Việt về với người tiêu dùng.

Muốn vậy, các doanh nghiệp cần không ngừng tích cực nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng các giải pháp thích hợp để tăng năng suất, chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành; tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt gắn với an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng hóa; ưu tiên đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán hàng bình ổn; phát triển điểm bán hàng Việt Nam cố định tại khu đông dân cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Trong hành trình này, cơ quan quản lý của tỉnh cũng cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng Việt Nam từ nông thôn ra thành thị; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, tăng cường bảo bệ hàng Việt bằng việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và những hành vi gian lận thương mại khác.      

Hồng Lam

Chuyên mục khác